Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, đã chia sẻ nhiều định hướng chiến lược quan trọng.
Đến năm 2030, Viettel đặt mục tiêu làm chủ 100% thiết kế và sản xuất các sản phẩm chip phục vụ quốc phòng, an ninh, cùng các loại chip thế hệ mới như chip AI và chip IoT. Đến năm 2028, mạng 5G của Viettel sẽ được phủ sóng toàn quốc, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ngoài ra, đến năm 2030, Viettel dự kiến đưa vào sử dụng bốn tuyến cáp quang biển mới, trong đó có ít nhất một tuyến do Viettel tự làm chủ. Tập đoàn cũng sẽ triển khai 11 trung tâm dữ liệu quy mô lớn, với tổng công suất hơn 350MW, chiếm trên 40% tổng công suất trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Ông Tào Đức Thắng cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua bán các bí mật công nghệ của nước ngoài, đồng thời chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và ban hành hướng dẫn cụ thể để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đáng chú ý, Viettel đã hợp tác với NVIDIA để xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu hiện đại, tích hợp gần 800 siêu máy tính và 6.000 card GPU, phục vụ nhu cầu phát triển các ứng dụng AI tiên tiến.
Ông Thắng nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết, ông đề xuất năm giải pháp, trong đó đáng chú ý là việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ thông qua cơ chế thí điểm chính sách miễn trừ, cho phép thử nghiệm công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới.
Theo ông Thắng, tính chất của các dự án đầu tư mạo hiểm là rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi ích lớn, tạo động lực phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh đột phá. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là Viettel, mạnh dạn nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
Ông Thắng cũng đề nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc sử dụng nguồn ngân sách được xác định trong Nghị quyết 57, với mục tiêu kinh phí cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP vào năm 2030, tương đương khoảng 9 tỷ USD mỗi năm.
Với kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng ~ 45 triệu USD mỗi năm dành cho nghiên cứu và phát triển, Viettel đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng như sản phẩm mạng 5G, các sản phẩm lõi công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, đầu tư vào khoa học công nghệ cần tập trung vào các lĩnh vực nền tảng và bao trùm, tránh phân tán nguồn lực, như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp và công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng.
Ngoài ra, ông đề xuất triển khai cơ chế đặc biệt để nghiên cứu, tiếp cận và chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Việc đánh giá giá trị và tính đặc thù của các công nghệ này đang là thách thức lớn, và ông kêu gọi Chính phủ cùng các bộ ngành ban hành hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ.
Những định hướng chiến lược này khẳng định vai trò tiên phong của Viettel trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nâng cao vị thế khoa học công nghệ của Việt Nam trên bản đồ thế giới.