Chính phủ Ukraine trước đó đã từ chối gia hạn thoả thuận, đặt Moldova và một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trước những lựa chọn khó khăn.
Công ty phân phối khí đốt Tiraspoltransgaz tại Transnistria cho biết sẽ “khoá van” khí đốt cung cấp cho 12 cơ quan nhà nước xung quanh thị trấn Dubasari và Bender, giáp ranh với các khu vực do chính quyền trung ương kiểm soát.
Trong số này, có 4 cơ sở giáo dục, một cơ sở y tế, một đồn cảnh sát và một văn phòng công tố. Quyết định của chính quyền khu vực ly khai Transnistria, với phần lớn cư dân nói tiếng Nga đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất điện diện rộng vào năm mới ở Moldova.
Chuyên gia Martin Vladimirov tại Moldova cho biết: “Tình hình thực sự bấp bênh nếu hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine không được gia hạn, bởi Transnistria cung cấp tới 20% lượng khí đốt của cả nước. Moldova có thể mua một phần lượng điện cần thiết từ Rumani và Ukraine. Tuy nhiên kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, Ukraine không còn là nước xuất khẩu ròng điện, trong khi Rumani cũng không có quá nhiều lựa chọn trong việc xuất khẩu điện. Vì thế, nếu mùa đông khắc nghiệt hơn, Moldova có nguy cơ đối măt với những vấn đề nghiêm trọng về an ninh lăng lượng”.
Biện pháp được áp dụng chỉ một ngày sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ tạm dừng xuất khẩu khí đốt sang Moldova từ ngày 1/1/2025 do tranh chấp nợ. Moldova không công nhận khoản nợ và cho biết chính phủ nước này sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn pháp lý để bảo vệ lợi ích đất nước, bao gồm kiện ra toà trọng tài quốc tế. Nga cung cấp cho Moldova khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, được vận chuyển qua Ukraine đến Transnistria.
Bất chấp cuộc xung đột tại Ukraine, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào Liên minh châu Âu. Chính vì thế, việc chấm dứt hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng bởi khí đốt vận chuyển qua tuyến đường này chiếm 1 nửa lượng khí đốt xuất khẩu còn lại của Nga sang EU và 1/3 tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Tác động này sẽ được cảm nhận đặc biệt ở Áo, Hungary và Slovakia, nơi tuyến đường quá cảnh qua Ukraine đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt năm 2023. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo:
“Chúng tôi không bao giờ nói “không” với việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ukraine đã nói rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt. Nếu đó là điều họ muốn, thì cứ để mọi chuyện diễn ra như vậy. Ukraine được châu Âu hỗ trợ tài chính và bây giờ họ trừng phạt châu Âu bằng cách đóng cửa các hợp đồng vận chuyển. Chúng ta không thể ký hợp đồng chỉ trong 3-4 ngày. Vì thế sẽ không có hợp đồng nào cả và giá cả sẽ tăng”.
EU có mục tiêu không ràng buộc là dừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Việc chấm dứt quá cảnh qua Ukraine có thể đẩy nhanh quá trình tách rời này và cũng sẽ gây ra khoản lỗ 6,5 tỷ đô la hàng năm cho Nga, trừ khi nước này có thể chuyển hướng các luồng khí đốt này sang các đường ống khác. Tuy nhiên, Ukraine cũng sẽ mất khoản phí tương đương khoảng 0,5% GDP khi chấm dứt hợp đồng quá cảnh và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chiến lược của mình với tư cách là đối tác năng lượng của EU.
Hơn nữa, bất kỳ lệnh dừng vận chuyển khí đốt nào qua Ukraine đều bị Hungary, Slovakia và một phần Áo phản đối vì lo ngại về tổn thất kinh tế không cân xứng, sẽ chấm dứt quyền tiếp cận đặc quyền đối với khí đốt của Nga, có khả năng khiến những nước này gặp bất lợi về mặt cạnh tranh so với các thành viên EU khác. Thủ tướng Slovakia Robert Fico, vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Nga, đã chỉ trích Ukraine vì từ chối gia hạn thỏa thuận.