spot_img
9 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhThế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự...

Thế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự kiện năm 2024 ảnh hưởng cục diện toàn cầu và Việt Nam

Tiễn biệt năm 2024, thế giới đã trải qua một thời kỳ bất ổn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh (1947-1991).

Năm 2024 là một năm đầy ắp các sự kiện trên toàn cầu. Năm mới 2025, thế giới đứng trước bức tranh toàn cảnh đa sắc màu với các thách thức và cơ hội đan xen. 

Ông Nguyễn Quang Khai – nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông, nhà bình luận các vấn đề quốc tế – đã lựa chọn 10 sự kiện tiêu biểu có ảnh hưởng nhất đối với cục diện thế giới và Việt Nam trong năm nay.

1. Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra đầy kịch tính. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chính đảng ở Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng”: Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Kamala Harris lên thay làm ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump – đại diện cho đảng Cộng hoà.

Ông Trump bị ám sát hụt, bị cáo buộc vi phạm 34 trọng tội vẫn tái đắc cử với số phiếu đại cử tri áp đảo, sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025, đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Thế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự kiện năm 2024 ảnh hưởng cục diện toàn cầu và Việt Nam- Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

2. Bầu cử ở Nga: Tổng thống Putin tiếp tục thắng cử

Trong cuộc bầu cử ở Nga, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin lần thứ năm giành số phiếu áp đảo, tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm nhiệm kỳ sáu năm 2024-2030.

Chiến thắng của ông Putin thể hiện sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga đối với chính sách của ông, và những cố gắng của phương Tây làm suy yếu quyền lực của nước Nga đã không thành công. 

Mặc dù chịu hơn 20 nghìn lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, nước Nga vẫn không sụp đổ. Kinh tế Nga vẫn đứng vững và phát triển, GDP tiếp tục tăng trưởng. Các biện pháp cô lập nước Nga thất bại, nhiều nước vẫn tăng cường quan hệ hợp tác với Nga.

3. Khủng hoảng chính trị ở Đức và Pháp

Sự sụp đổ của chính phủ Đức và Pháp trong cùng thời gian đang tạo ra những cơn địa chấn chính trị làm rung chuyển châu Âu, đặc biệt khi lục địa này phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế và an ninh, bao gồm cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và cục diện thế giới có nhiều thay đổi.

Khủng hoảng chính trị ở Đức và Pháp – hai quốc gia chiếm gần 1/3 dân số, một nửa GDP và khoảng 1/3 ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) – đặt châu lục này trước nguy cơ bất ổn lớn, đe doạ sự đoàn kết và thống nhất giữa các nước thành viên EU.

4. Xung đột Nga – Ukraine bước vào giai đoạn bước ngoặt

Cuộc xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ ba. Việc Mỹ và một số nước châu Âu lần đầu cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không làm thay đổi cục diện chiến trường. Nga vẫn làm chủ tình hình trên các mặt trận và quyết tâm thực hiện các mục tiêu của của “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nội bộ Mỹ và các nước châu Âu bất đồng xung quanh việc tiếp tục viện trợ cho Kyiv. Lần đầu tiên xuất hiện ý tưởng giải quyết cuộc xung đột bằng đàm phán hoà bình. Lãnh đạo Mỹ và một số nước châu Âu bắt đầu đối thoại với Tổng thống Nga Putin.

5. Xung đột Trung Đông leo thang

Cuộc chiến của Israel chống lại phong trào Hamas ở Gaza đã bước sang năm thứ hai, mở rộng sang Lebanon, Yemen và Syria.

Đây là cuộc chiến ác liệt nhất, kéo dài nhất tại Trung Đông, làm hơn 50 nghìn người thiệt mạng và hơn 100 nghìn người bị thương, 2 triệu người mất nhà cửa phải di dời, chủ yếu là dân thường ở Gaza và Lebanon.

Cuộc chiến tiếp tục leo thang và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lần đầu tiên, Israel và Iran đã tấn công vào lãnh thổ của nhau.

Thế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự kiện năm 2024 ảnh hưởng cục diện toàn cầu và Việt Nam- Ảnh 2.

Những tòa nhà đổ nát ở Gaza sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: Getty

6. Chính quyền Syria sụp đổ nhanh chóng

Chính quyền của cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ chỉ sau 11 ngày khi đối mặt với cuộc tấn công của các lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, chấm dứt hơn nửa thế kỷ cầm quyền của gia tộc Assad, tạo ra cơn địa chấn tại một khu vực ở Trung Đông.

Cựu Tổng thống Bashar al-Assad đã rời bỏ đất nước, sang tị nạn tại Nga.

Syria đứng trước nhiều thách thức to lớn và một tương lai bất định.

7. Căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á

Sóng gió bùng nổ tại Đông Bắc Á, quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc căng thẳng hơn bao giờ hết. Bình Nhưỡng gọi Seoul là “kẻ thù”, liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo để răn đe các đối thủ, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Bán đảo Triều Tiên có lúc đã đứng trên bờ vực xung đột.

Nhật Bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật ngày 3/12.

Đông Bắc Á trở thành một trong những điểm nóng chiến lược toàn cầu, nơi ranh giới giữa hòa bình và xung đột ngày càng mong manh.

8. Thế giới chuyển từ trật tự đơn cực sang đa cực

Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Kazan (Nga), 35 phái đoàn tham dự, trong đó có 24 đoàn cấp nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ và người đứng đầu 6 tổ chức quốc tế. BRICS hiện nay đã có sự tham gia của 9 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới sau khi kết nạp thêm 5 thành viên mới.

Với gần 46% dân số thế giới và hơn 35% GDP toàn cầu, BRICS đang vươn lên cạnh tranh với nhóm G7 vốn chiếm 8,8% dân số với 30% GDP thế giới.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm 10 thành viên (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgysztan, Tazikistan, Uzbekishtan, Pakistan và Belarus) cùng 14 đối tác đối thoại và 3 quan sát viên, chiếm 44% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu, cũng đang thu hút sự tham gia của các thành viên mới và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chính trị toàn cầu.

9. Biến đổi khí hậu gây thảm họa thiên nhiên chưa từng có

Năm 2024 là năm khí hậu cực đoan nhất từ trước tới nay do biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng vượt quá ngưỡng 1,5 độ C, gây ra hàng loạt vụ thiên tai chưa từng có. Bão lụt, hạn hán, động đất, cháy rừng… xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Liên Hợp Quốc cho biết, 181 triệu người tại 72 quốc gia cần viện trợ khẩn cấp do xung đột, thảm họa khí hậu và khủng hoảng kinh tế.

Công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết, trong năm 2024, thiên tai đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 320 tỷ USD trên toàn thế giới, tăng 6% so với năm 2023 và cao hơn 25% so với mức trung bình trong mười năm qua.

10. Vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao

Trong khi xung đột, chiến tranh và căng thẳng leo thang tại nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn duy trì được môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước, vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, đạt 7% trong năm 2024 và phấn đấu tăng trưởng đjat 2 con số vào năm 2025. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu về du lịch, đầu tư, thương mại…

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả 194 nước thành viên Liên Hợp Quốc; quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước, trong đó có các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…; quan hệ Đối tác chiến lược với 10 nước khác; quan hệ Đối tác toàn diện với 13 nước; quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên chính thức của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự kiện năm 2024 ảnh hưởng cục diện toàn cầu và Việt Nam- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm (lúc đó là Chủ tịch nước) chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 6/2024. Ảnh: VGP

Dự báo tình hình năm 2025

1. Thế giới ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn

Chiến thắng của ông Donald Trump ảnh hưởng mạnh mẽ đối với địa chính trị toàn cầu. Nhiều người hy vọng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ góp phần làm cho tình hình căng thẳng trên thế giới dịu đi. Tuy nhiên, tương lai thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sắp tới của ông rất khó đoán định.

Năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng, không loại trừ khả năng bùng nổ các cuộc đối đầu và xung đột mới.

2. Đối đầu Mỹ – Trung Quốc gia tăng

Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là nhân tố chính định hình địa chính trị toàn cầu. Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ 2017-2021 của ông Trump, quan hệ Mỹ – Trung Quốc hết sức căng thẳng. Năm 2017, chính quyền Mỹ đã ban hành “Chiến lược an ninh quốc gia” và “Chiến lược quốc phòng”, coi Trung Quốc là đối thủ số một.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump áp đặt thuế quan 13% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Nhưng mới chỉ trong quá trình vận động tranh cử năm nay, ông từng tuyên bố sẽ tăng mức thuế này lên lên đến 60%. Và đến tháng 11/2024, ông đã tuyên bố áp mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Washington sẽ tiếp tục hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên khốc liệt hơn.

Ông Trump sẽ tiếp tục chính sách đối đầu với Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ mà cả quân sự. Ông Trump dự tính sẽ cung cấp vũ khí cho đảo Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 2,2 tỷ USD, động thái này sẽ gây ra căng thẳng với Bắc Kinh.

3. Giải pháp cho cuộc xung đột Nga – Ukraine còn nhiều trắc trở

Trong chiến dịch tranh cử cũng như sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump thường xuyên nhắc lại cam kết của mình về việc giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ. Ông tuyên bố giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình.

Đây là động thái tích cực của ông Trump. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine có nguồn gốc lịch sử hết sức phức tạp, rất khó nếu không muốn nói là không thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai.

Nga và Ukraine vẫn có các mục tiêu rất khác nhau và không muốn thay đổi.

Tổng thống Nga Putin đặt điều kiện cho ngừng bắn và đàm phán là Ukraine phải rút khỏi các khu vực Donbass, Zaporozhye và Kherson, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cũng như việc Ukraine từ bỏ tư cách thành viên NATO và mọi giải pháp phải dựa trên thoả thuận đã đạt được ngày 29/3/2022 giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky coi đây là tối hậu thư.

Trong khi đó, Ukraine kêu gọi thực hiện “công thức hòa bình”, đòi Nga rút quân khỏi Crimea, Donbass, Zaporozhye và Kherson. Moscow không chấp nhận đòi hỏi này của Ukraine, và cho rằng các cuộc đàm phán phải dựa trên “tình hinh thực địa”.

Trong tình hình như vậy, việc sớm đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột là hết sức khó khăn.

Thế giới bất ổn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh: 10 sự kiện năm 2024 ảnh hưởng cục diện toàn cầu và Việt Nam- Ảnh 4.

Binh sĩ Ukraine ở Donetsk đã phải chống đỡ vất vả trước sức mạnh áp đảo của lực lượng Nga trong những tháng gần đây. Ảnh: Reuters

4. Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Hàn Quốc, vì điều này sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ từ lực lượng quân sự của liên minh với Hàn Quốc.

Cả Bình Nhưỡng và Seoul đều không muốn chiến tranh. Triều Tiên hiểu rằng chiến tranh sẽ đồng nghĩa với việc đối đầu với Mỹ. Seoul cũng không muốn chiến tranh vì tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể sẽ huỷ diệt Hàn Quốc.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật