“Dây xích vô hình” kìm hãm sự phát triển của DQS
Năm 2024, ngành cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển gặp nhiều thách thức về thị trường, cơ chế, chính sách và chuỗi cung ứng. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Petrovietnam, nhu cầu đóng mới tàu biển của chủ tàu trong nước vẫn chưa cao do xu hướng đặt mua, đóng mới đa số đều hướng ra nước ngoài, dẫn đến việc số lượng đặt đóng mới nội địa rất thấp.
Cùng với đó, tình hình cung ứng vật tư, thiết bị nói chung của ngành cơ khí đóng tàu hiện còn nhiều thiếu hụt, vật tư sản xuất trong nước hạn chế về các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, việc phải nhập khẩu máy móc, thiết bị đã kìm hãm ngành công nghiệp đóng mới tàu biển của Việt Nam. Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) cũng không phải là ngoại lệ.
DQS được thành lập ngày 20/02/2006 là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Năm 2010, DQS được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) quản lý, khai thác.
Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh cho hay, tại DQS, những khó khăn, tồn tại của lịch sử cũng trở thành những “dây xích vô hình” kìm hãm sự phát triển của đơn vị. Đa số các tài sản được đầu tư đều chưa được đồng bộ và qua thời gian, các máy móc, thiết bị cũng dần lạc hậu về công nghệ.
Do đó, việc tái đầu tư để hoàn thiện về dây chuyền và hạ tầng phục vụ sản xuất là một trong những yếu tố tất yếu giúp DQS tiếp tục cạnh tranh trên thị trường đầy tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam.
“Không chỉ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhân sự cũng là một trong những thách thức đối với DQS và toàn ngành đóng tàu. Tại Việt Nam, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp này còn manh mún, hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Điều này bắt buộc DQS phải liên tục triển khai tuyển dụng và tái đào tạo để “giải bài toán” này. Tuy nhiên, việc này mất nhiều thời gian và chi phí lớn”, Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Thành tích “kỷ lục” của DQS
Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, năm 2024, DQS đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Thông tin từ Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2025 và Hội nghị Người lao động năm 2025, năm 2024, bằng các chiến lược, giải pháp và áp dụng hiệu quả phương châm quản trị biến động của Petrovietnam, DQS đã đạt nhiều kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh (SXKD).
Không chỉ đảm nhiệm việc đóng mới, sửa chữa các đơn hàng trong ngành, DQS cũng tích cực tìm kiếm, tham gia vào các đơn hàng ngoài ngành trong và ngoài nước. Điều này đã giúp DQS đạt doanh thu gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 – 2020.
Tổng chung, trong năm 2024, tuy số lượng đơn hàng ít hơn năm trước, nhưn g tổng doanh thu hợp nhất của DQS vượt 42% so với kế hoạch được Tập đoàn phê duyệt, tăng 36% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, đơn vị đã tiếp nhận thực hiện đóng mới, sửa chữa và gia công hơn 41 đơn hàng trong/ngoài ngành và nhiều đơn hàng trong/ngoài nước. Trong đó, 90% tổng số đơn hàng ngoài ngành, đóng góp khoảng 86% tổng doanh thu của DQS trong năm 2024.
Tổng số lao động toàn DQS tính đến hiện nay là 768 người, trong đó số lao động Công ty Mẹ khoảng 757 người. Tiền lương bình quân năm 2024 của DQS tăng cao hơn so với năm 2023.
“Kết quả SXKD năm 2024 của DQS được xem là thành tích “kỷ lục” sau nhiều năm được bàn giao về Tập đoàn”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chia sẻ tại tại Hội nghị tổng kết hoạt động SXKD năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Để tiếp tục phát triển ổn đinh, tăng trưởng tích cực, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cũng chỉ ra các vấn đề DQS cần xử lý, gồm: Tập trung xử lý triệt để những tồn tại; triển khai đúng kế hoạch những phần việc liên quan đến công tác tái cấu trúc; tăng cường nghiên cứu, đánh giá và dự báo thị trường; củng cố, hoàn thiện, nâng chuẩn mô hình quản trị, mô hình kinh doanh; và rà soát, tổ chức lại hoạt động SXKD của đơn vị.
“Trong hành trình phát triển để trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia của Petrovietnam, DQS cũng sẽ phấn đấu trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mục tiêu của Tập đoàn, với việc sẽ tham gia sâu vào chuỗi hoạt động dầu khí, cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng như đóng mới, sửa chữa các tàu chuyên dụng, chế tạo các mô đun, kết cấu phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo…”, Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Về công tác SXKD, năm 2025, DQS dự kiến tiếp nhận và triển khai thi công sửa chữa các sản phẩm theo kế hoạch sửa chữa của Chủ tàu mà DQS đang làm việc như: Chủ tàu VSP, Fgas, Nhật Việt, PCT, Vipco, Vitaco, Vimc, Vosco, PVtrans, HTK, Hải Nam, Việt Thuận, Hải An, Tân Bình, Trường Minh, Âu Lạc, An Hải, Songa, Đức, Singapore, Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc)…
Công ty tiếp tục dự án đóng mới 4 tàu Hà Lan đa năng, giàn Mumanskya; triển khai dự án hoán cải VLCC –FSO, dự án Hòa Phát giai đoạn 2. Chủ động nắm bắt kế hoạch SXKD của các đơn vị trong và ngoài ngành, cũng như nước ngoài để có những phương án phù hợp.