Máy bay của chính phủ Nga bí mật tới Mỹ
Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 30/12 đưa tin, một chiếc máy bay chuyên chở các quan chức cấp cao của Nga được cho là đã bí mật bay tới Mỹ.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy chiếc IL-76 của Phi đội bay đặc biệt Rossiya đã khởi hành từ Moscow đến St. Petersburg vào ngày 25/12, sau đó rời thành phố này vào ngày 26/12 để tới New York (Mỹ).
Phi đội bay đặc biệt Rossiya, còn gọi là Biệt đội hàng không độc lập số 235, chuyên phụ trách các máy bay của Điện Kremlin, bao gồm IL-76, Tu-214 và trực thăng Mi-38. Truyền thông Nga cho biết có khoảng 2.500 nhân sự làm việc trong đơn vị này.
Theo FlightRadar24 – website theo dõi dữ liệu các chuyến bay trên toàn thế giới theo thời gian thực, chiếc IL-76 của Nga đã tiếp tục bay từ New York tới thủ đô Washington D.C (Mỹ) trong cùng ngày 26/12. Hai ngày sau (28/12), nó rời Washington về New York, sau đó bay trở lại Moscow.
Thông tin này cũng được truyền thông Nga đề cập. Tờ EA Daily (Nga) cho biết, chiếc máy bay được nhắc tới là IL-76 −300PU. Nó cất cánh từ Moscow, đáp xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, sau đó tiếp tục bay tới Washington.
Theo tờ KP (Nga), chiếc IL-76 này từng được Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev sử dụng cho các chuyến bay chính thức. Bên cạnh đó, nó từng đưa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2023.
Cũng có thông tin, người đứng đầu Cơ quan tình báo Đối Ngoại Nga Sergey Naryshkin sử dụng máy bay đặc biệt này.
Tín hiệu đàm phán kín?
Theo EA Daily, ở thời điểm thông tin về chuyến bay được đưa ra, Moscow vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về chuyên thăm của các quan chức Nga tới Mỹ.
“Điều đó làm dấy lên suy đoán về khả năng đàm phán kín giữa Moscow và Washington” – EA Daily cho hay.
Trong khi đó, theo Newsweek, đây là một chuyến bay rất đáng chú ý. Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, và càng lao dốc hơn sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Gần 3 năm sau khi xung đột bùng nổ, những lời lẽ “nắn gân nhau bằng hạt nhân” đang dần xuất hiện khi Washington liên tục ủng hộ Kiev.
Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng. Trước đó, ông đã tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine “trong vòng 24 giờ”.
Các quan chức NATO dự đoán, ông Trump sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin – người mà ông vẫn luôn tự tin “có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp”. Một số quan chức lo ngại thỏa thuận này (nếu đạt được) có thể gây tổn hại đến Kiev, và việc chấm dứt xung đột có thể thay đổi tình hình ở biên giới phía đông của NATO tại châu Âu.
Nga lên tiếng về chuyến bay bí mật
Theo Newsweek, trước những đồn đoán diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 30/12 xác nhận, máy bay của chính phủ Nga đã tới Mỹ, nhưng để tiến hành “một đợt luân chuyển các nhà ngoại giao” mà thôi.
“Đó là một đợt luân chuyển các nhà ngoại giao khác” – Bà Zakharova nói.
Bình luận về phát ngôn của bà Zakharova, Newsweek nhận định, Moscow đã hạ thấp tầm quan trọng của chuyến bay ngoại giao đặc biệt từ đội bay của Điện Kremlin tới Mỹ, giữa bối cảnh có nhiều đồn đoán về cách mà chính phủ mới của Mỹ sẽ giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Nga.
Moscow nói thẳng 5 điều kiện nếu Mỹ muốn chấm dứt xung đột
Trước đó 1 ngày, khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn RIA Novosti, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ một số nội dung trong “kế hoạch hòa bình” Ukraine do ông Trump đề xuất.
Ông Lavrov lưu ý, Moscow “không hài lòng” với một số nội dung trong kế hoạch hòa bình của ông Trump được tiết lộ qua cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, và các thông tin rò rỉ khác về kế hoạch này. Ví dụ như đề xuất trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO trong 20 năm và triển khai một nhóm lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu (EU) và Anh tại Ukraine.
Theo ông Lavrov, nếu Washington thực sự muốn chấm dứt xung đột, họ sẽ phải “ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, yêu cầu các nước vệ tinh của họ làm theo, ra lệnh cho Kiev ngừng bắn, nối lại quá trình đàm phán mà không có bất cứ điều kiện nào, hủy bỏ sắc lệnh của [ông] Zelensky về việc cấm Ukraine đàm phán với giới lãnh đạo Nga”.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng phải nhằm mục đích loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine và tính đến tình hình trên thực địa” – Ông Lavrov nhấn mạnh.
Ông lưu ý, lập trường của Nga đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, “xét theo những gì chúng tôi thấy và đọc, thì Kiev và phương Tây đã bắt đầu thảo luận về khả năng ngừng bắn và đình chiến chỉ để nghỉ ngơi và có thời gian tăng cường tiềm lực quân sự cho Ukraine, sau đó tiếp tục gây ra thất bại chiến lược cho Nga”.
“Đây là ngõ cụt, một con đường không dẫn đến đâu cả” – Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông đề cập tới vấn đề kiểm soát vũ khí, và lưu ý, Mỹ đã phớt lờ các cảnh báo từ Nga và Trung Quốc để chuyển sang triển khai các loại vũ khí mà trước đây nằm trong danh mục cấm của các hiệp ước chung tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
“Như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rõ ràng, chúng tôi sẽ đáp trả điều này và sẽ đáp trả tương xứng. Cuộc thử nghiệm chiến đấu gần đây của hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik đã chứng minh một cách thuyết phục về khả năng và quyết tâm của chúng tôi trong việc thực hiện các biện pháp cân bằng”.