Thị trường xe lớn nhất thế giới
Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Hàng năm, số lượng ô tô tiêu thụ tại thị trường này có thể vượt 20 triệu chiếc. Bên cạnh việc trở thành thị trường màu mỡ cho các hãng xe nước ngoài, ngành xe nội địa Trung Quốc cũng có thể nương nhờ vào đây để phát triển.
Ngành công nghiệp xe của thế giới được cho có khởi đầu từ cuối thế kỷ 19, tức các nhà sản xuất lâu đời nhất của thế giới đã tích lũy hơn 100 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, xuất phát điểm của ngành xe Trung Quốc được tính từ khoảng những năm 1950.
Ngành công nghiệp xe Trung Quốc bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ sau khi nước này chính thức áp dụng quy định mới về việc thành lập liên doanh. Theo đó, các hãng xe nước ngoài cần thành lập liên doanh với các hãng xe của Trung Quốc để được kinh doanh tại quốc gia này.
Chính sách này đã giúp ngành công nghiệp xe Trung Quốc tiếp cận và học hỏi được nhiều thành tựu của các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Trải qua nhiều thay đổi về mặt chính sách, tới cuối những năm 1990, tỷ lệ nội địa hóa xe sản xuất tại Trung Quốc đã lên tới khoảng 90%; ngay cả các bộ phận chính của xe như thân vỏ, động cơ, hệ truyền động, hay trục xe cũng đều đã có thể được sản xuất ngay tại Trung Quốc.
Trong suốt quá trình phát triển, xe ô tô Trung Quốc đã trải qua giai đoạn làm ra những mẫu xe có ngoại hình quá giống với các mẫu xe của nước ngoài. Điều này đã tạo ra một định kiến lớn đến xe Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, sự phát triển của xe điện đã là một cơn sóng đẩy con thuyền công nghiệp xe Trung Quốc đến một giai đoạn khác. Các nhà sản xuất Trung Quốc dần làm chủ công nghệ, làm chủ thiết kế, và dần làm chủ cả cuộc chơi của ngành xe thế giới.
Các hãng xe ngoài Trung Quốc hiện đang rất vất vả bám trụ lại tại thị trường này khi xe nội địa ngày càng được ưa chuộng. Các mẫu xe nội địa Trung Quốc nổi tiếng có nhiều công nghệ tiện nghi, thiết kế đẹp, giá lại dễ tiếp cận.
BYD Seagull có giá bán quy đổi từ 250 triệu đồng tại Trung Quốc là một trong những ví dụ thường được nêu ra. Mẫu xe ngang hạng với KIA Morning này đã được nhiều đơn vị trên thế giới mổ xẻ để nghiên cứu cách mà BYD làm xe.
Caresoft của Mỹ là một đơn vị như vậy; họ đã mổ xẻ một chiếc BYD Seagull và tìm ra được 4 lý do chính khiến xe Trung Quốc dù giá rất thấp mà vẫn mang về lợi nhuận cho nhà sản xuất. Các lý do này lần lượt là: Sử dụng chung tối đa linh kiện, tăng tích hợp dọc, chính sách đãi ngộ, và Gigacasting.
Ông Terry Woychowski, chủ tịch của Caresoft, từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi tháng 5: “Nhóm của chúng tôi vừa từ Triển lãm Xe hơi Bắc Kinh trở về, và tất cả đều rất ngạc nhiên với những gì họ mắt thấy tai nghe. Sản phẩm ứng dụng Gigacasting với chất lượng hoàn thiện cao, đẹp ở khắp mọi nơi. Đó là lý do vì sao ngành xe đang có một từ mới nổi: ‘Nhanh như Trung Quốc’. Họ tiến bộ với tốc độ cực kỳ nhanh”.
‘Góc khuất’ tại ngành xe Trung Quốc
Sản xuất ra một sản phẩm giá rẻ là một điều không dễ; làm ra và mang được lợi nhuận về thì còn khó hơn. Tại thị trường có tính cạnh tranh cao như Trung Quốc, có lợi nhuận mà đủ để tồn tại lại còn là một vấn đề khó hơn nữa.
Trong năm 2024, tỷ suất lợi nhuận ngành xe Trung Quốc tiếp tục giảm, dù con số trước đó đã rất thấp. Theo số liệu của Hiệp hội Xe con Trung Quốc công bố, tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất Trung Quốc trong quãng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 11 của năm nay là 4,4%; con số của năm 2023 là khoảng 5%.
Hiệp hội này nhận định rằng tỷ suất lợi nhuận đó là thấp so với mức trung bình khoảng 6,1% của các ngành công nghiệp tương tự. Tổng Thư ký hiệp hội, ông Thôi Đông Thụ cho biết: “Ngành xe cần có các biện pháp cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả, cũng như tăng kiểm soát chi phí”.
Trong ít nhất 2 năm, sức cạnh tranh tại thị trường xe Trung Quốc, đặc biệt tại dòng xe điện, đã lên rất cao, gây ra một cuộc chạy đua cắt giảm giá để thu hút khách hàng hơn. Khi các hãng xe lớn như BYD duy trì được, các hãng xe nhỏ hơn sẽ khó lòng tồn tại được trong cuộc chơi.
Hãng xe Jiyue là ví dụ tiêu biểu chứng minh cho sức cạnh tranh kinh khủng tại thị trường này. Jiyue là thương hiệu liên doanh của 3 công ty lớn của Trung Quốc, gồm Baidu, Geely Automobile, và Human Horizons (còn được biết đến với tên HiPhi).
Baidu là công ty công nghệ lớn hàng đầu Trung Quốc chuyên về các sản phẩm công nghệ và trí tuệ nhân tạo; Human Horizons là một nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc, định hướng sản xuất các mẫu xe giàu công nghệ và mang phong cách tương lai.
Geely là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn hàng đầu Trung Quốc, sở hữu các thương hiệu quốc tế là Volvo, Polestar và Lynk & Co; Geely đã có hợp tác với Tasco (Việt Nam) trong xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư 4.100 tỷ đồng tại Thái Bình.
Jiyue mới đây đã tuyên bố giải thể.
Trong 11 tháng đầu của năm nay, tổng thu nhập của cả ngành xe Trung Quốc tăng 3%, đạt khoảng 9,5 nghìn tỷ tệ. Song, chi phí sản xuất lại tăng 4% lên mức 8,3 nghìn tỷ tệ. Cùng lúc, lợi nhuận đã giảm xuống chỉ còn 413,2 tỷ tệ, giảm 7,3% so với con số của năm ngoái.
Trong tháng 11, tổng lợi nhuận giảm tới 35%, biên lợi nhuận còn chưa tới 3,3%.