spot_img
16 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhThăng hạng trong chuỗi giá trị, hàng Made in Vietnam được đánh...

Thăng hạng trong chuỗi giá trị, hàng Made in Vietnam được đánh giá không kém cạnh "công xưởng thế giới"

Các nhà máy Việt Nam tiến bộ nhanh chóng trong vài năm qua và hiện sánh ngang với các công ty tương tự tại Trung Quốc về chất lượng cũng như giá cả trong nhiều ngành công nghiệp.

Việt Nam đã dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị

Tập đoàn Samsung đang vận hành các dây chuyền lớn ở cả Trung Quốc và Việt Nam, sản xuất hàng triệu điện thoại thông minh cho thị trường toàn cầu.

Và khi nói đến chất lượng, không có sự khác biệt giữa các thiết bị Android được lắp ráp tại mỗi quốc gia – Nguyen Lam, giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết.

Không chỉ riêng điện thoại. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà phân tích cho biết các nhà máy của Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong vài năm qua và hiện đang sánh ngang với các công ty tương tự tại Trung Quốc về chất lượng cũng như giá cả trong nhiều ngành công nghiệp.

Các chuyên gia ghi nhận sự nổi lên của Việt Nam trong 15 năm qua, đồng thời nhìn nhận các nhà máy của Việt Nam đã dịch chuyển lên chuỗi giá trị và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn để tận dụng cơ hội khi các nước muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, đặc biệt là dưới nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump.

“Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về chất lượng, khả năng cạnh tranh về giá cả và tính sẵn có”, Alberto Vettoretti, đối tác quản lý của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, nói với SCMP.

Thăng hạng trong chuỗi giá trị, hàng Made in Vietnam được đánh giá không kém cạnh "công xưởng thế giới"- Ảnh 1.

Chú thích ảnh

Trường hợp của Samsung cho thấy, chất lượng xuất khẩu của các mặt hàng tiêu chuẩn như đồ điện tử, ô tô và quần áo thương hiệu hiếm khi thay đổi, vì các công ty đa quốc gia yêu cầu hiệu suất giống nhau từ các nhà máy ở cả hai quốc gia – các nhà phân tích chỉ ra.

“Để cạnh tranh trên một thị trường như vậy, bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất”, Zach Herbers, giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh Herbers Agency có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Statista, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 354 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023. Theo dữ liệu hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm đó đạt 3,38 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Đặc biệt, trong một số loại sản phẩm cụ thể, năng lực sản xuất của Việt Nam được thế giới công nhận.

Herbers cho biết ngành đồ nội thất của Việt Nam “nổi tiếng thế giới” với toàn bộ “hệ sinh thái” hỗ trợ. Phần lớn gỗ nguồn là gỗ địa phương, giúp giảm chi phí. Do đó, các công ty đa quốc gia như nhà bán lẻ đồ nội thất toàn cầu Ikea đã vận hành các trung tâm tại Việt Nam.

Việt Nam từ lâu cũng đã nổi tiếng về xuất khẩu đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp đóng gói như cà phê và hạt điều.

Ngày nay, các chuỗi cửa hàng trong nước như Highlands Coffee và Phúc Long vận hành rất nhiều cửa hàng bán hạt cà phê rang và cà phê bột đóng gói trên khắp Thành phố Hồ Chí Minh đến nỗi rất khó để tìm thấy một quán Starbucks.

Các nhà máy sản xuất giày dép và hàng may mặc của Việt Nam cho thị trường toàn cầu cũng nổi tiếng về “giá cả cạnh tranh” và quy trình sản xuất “hiệu quả”, Vettoretti cho biết. Nike và Patagonia là một trong những thương hiệu đang tuyển dụng lượng lớn nguồn lao động tại quốc gia Đông Nam Á.

Và ngành sản xuất của Việt Nam cũng đang chuyển dịch sang các thiết bị điện tử, máy móc và xe điện có giá trị cao hơn.

Thách thức với Việt Nam

Ông Alberto Vettoretti cho rằng thách thức đối với Việt Nam hiện nay là việc kiểm soát chất lượng với một số nhà sản xuất nhỏ hơn hoặc ít kinh nghiệm.

“Sự không nhất quán này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và độ bền của một số sản phẩm, khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên thị trường cao cấp,” ông nói.

Vettoretti cho biết các vấn đề về hậu cần và chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng là một điểm cần lưu tâm, vì việc giao hàng sản phẩm có thể không ổn định trong các giai đoạn cao điểm.

Còn theo ông Zach Herbers, Việt Nam cũng sẽ phải đào tạo thêm nhiều công nhân lành nghề khi mở rộng sang sản xuất tiên tiến.

“Tôi cho rằng trình độ học vấn của lực lượng lao động [Việt Nam] khá cao, nhưng rõ ràng là đang có sự nóng vội nhất định,” ông Herbers nói.

“Bạn cần phải thay đổi nhanh chóng hơn khi đất nước đang chuyển dịch trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật