spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVượt Đức-Nhật, quốc gia có GDP bình quân đầu người thua xa...

Vượt Đức-Nhật, quốc gia có GDP bình quân đầu người thua xa Việt Nam sẽ vươn lên thứ 3 thế giới vào năm 2027?

Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một siêu cường thế giới. Tuy nhiên, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trong năm 2025 cũng như nhiều năm tới.

Tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Independent hồi tháng 9, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã đưa ra một tuyên bố đầy “táo bạo” rằng Ấn Độ sẽ trở thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050.

Ông nhấn mạnh: “Đến giữa thế kỷ này, bạn sẽ có ba siêu cường là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tất cả các quốc gia khác sẽ nhỏ bé hơn so với ba cái tên này”.

Thực tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đặt ra những kỳ vọng tương tự khi cho rằng quốc gia của mình sẽ đạt được vị thế phát triển vào năm 2047. Ông cũng cam kết đưa Ấn Độ trở thành “siêu cường kinh tế lớn thứ ba” vào cuối nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Nhiều dự đoán cũng cho thấy Ấn Độ đang có nhiều tiềm năng. Điển hình, theo báo cáo của S&P Global, Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2031.

Hầu hết các dự đoán về sức mạnh tương lai của Ấn Độ đều dựa trên hai yếu tố đơn giản: Thứ nhất, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Thứ hai, nền kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD của Ấn Độ – hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới – đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác.

Ngoài kinh tế, tầm quan trọng địa chính trị của Ấn Độ cũng tăng lên. Nước này được Mỹ coi là đối trọng với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng đồng thời cũng duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Điều này tạo ra một vị thế độc đáo, có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia ở Nam Bán Cầu.

Vượt Đức-Nhật, quốc gia có GDP bình quân đầu người thua xa Việt Nam sẽ vươn lên thứ 3 thế giới vào năm 2027? - ảnh 1
Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2023

Hành trình nhiều khó khăn

Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2023 và các nhà phân tích tại hãng tư vấn Morgan Stanley đồng ý với ông Modi rằng nước này sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để đạt vị trí thứ ba vào năm 2027.

Tuy nhiên, thực tế, nền kinh tế Ấn Độ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong hai năm qua, làm giảm triển vọng kinh tế cho cả năm tài chính, Independent viết.

GDP của Ấn Độ chỉ tăng 5,4% trong quý III, thấp hơn nhiều so với dự báo 7% của Ngân hàng Trung ương nước này. Các nhà kinh tế cho rằng có dấu hiệu cho thấy sự mở rộng của nền kinh tế Ấn Độ đang mất đà.

Những con số tăng trưởng GDP này cũng không nhất quán với các chỉ số kinh tế khác như tỷ lệ việc làm, tiêu dùng tư nhân và hiệu quả xuất khẩu.

Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của Ấn Độ, nhưng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chi tiêu ở khu vực thành thị chậm lại do lạm phát lương thực và tăng trưởng tiền lương thực tế chậm chạp.

Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ, thường là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cũng đang đi ngang. Trong 12 tháng tính đến tháng 8/2024, tổng giá trị thương mại hàng hóa của Ấn Độ chỉ đạt 1,1 nghìn tỷ USD – không khác gì so với hai năm trước.

Một vấn đề khác là GDP bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2023 chỉ đạt 2.484 USD – tương đối thấp và cũng thấp hơn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.346 USD.

Thêm nữa, báo cáo năm 2024 của World Inequality Lab cho thấy kỷ nguyên tỷ phú vàng của Ấn Độ đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về bất bình đẳng thu nhập, đưa Ấn Độ vào nhóm các quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ, Brazil và Nam Phi.

Cựu nhà ngoại giao Shyam Saran cho rằng Ấn Độ có tiềm năng lớn dựa trên dân số, quy mô kinh tế và đội ngũ nhân tài khoa học và kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông cũng đánh giá sự phát triển trong nước diễn ra rất chậm. Ông nói: “Về GDP, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Nhưng thứ hạng của nước này trong chỉ số phát triển con người lại rất thấp, đứng thứ 122 trên 191 quốc gia và sự tiến bộ diễn ra rất chậm”.

Ông nhấn mạnh những điều này cần phải đánh giá kỹ lưỡng khi xem xét Ấn Độ trở thành siêu cường tiếp theo.

Kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis nhận định nền kinh tế Ấn Độ cần tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm để có thể đạt quy mô tương đương với Trung Quốc vào năm 2050, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại.

Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng của Ấn Độ trong quý III khiến bà lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này.

Theo Independent

>> Lộ diện 5 quốc gia giúp kinh tế Nga trụ vững bất chấp bị ‘giáng đòn’ trừng phạt liên tiếp

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật