spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài Chính‘Lỡ’ nhập khẩu quá nhiều một mặt hàng từ siêu cường giá...

‘Lỡ’ nhập khẩu quá nhiều một mặt hàng từ siêu cường giá rẻ, quốc gia chủ chốt của BRICS ‘như ngồi trên đống lửa’

Đối với ngành thép của Ấn Độ, điều mà họ lo ngại nay đã trở thành sự thật.

Dữ liệu ban đầu của chính phủ cho thấy lượng sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã đạt kỷ lục mới trong 8 tháng đầu năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2025. Thông tin này nhanh chóng làm dấy lên mối lo ngại đối với các nhà sản xuất thép của Ấn Độ về dòng hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào.

Ấn Độ là nước sản xuất thép thô lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này đã trở thành nước nhập khẩu ròng trong giai đoạn trên, với lượng thép thành phẩm nhập khẩu đạt mức cao nhất trong 8 năm. Tổng cộng, lượng nhập khẩu đã tăng lên 6,5 triệu tấn, cao hơn 26% so với năm trước.

Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc đã cung cấp 1,96 triệu tấn thép cho Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 11 năm ngoái, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Danh sách các mặt hàng xuất khẩu chính từ Trung Quốc bao gồm thép không gỉ, cuộn cán nóng, tấm mạ kẽm,… Thép thành phẩm Ấn Độ nhập từ Nhật Bản cũng tăng hơn gấp đôi lên 1,4 triệu tấn, mức cao nhất trong 6 năm.

Trong khoảng thời gian kể trên, gần 80% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặt hàng nhập khẩu phổ biến nhất là thép cuộn cán nóng, sau đó là thép dạng thanh và dạng que.

Để ứng phó với việc nhập khẩu thép tăng đột biến, New Delhi đã tiến hành một cuộc điều tra để xác định xem Ấn Độ có nên áp dụng thuế tự vệ (safeguard duty), một loại thuế tạm thời, với thép nhập khẩu hay không. Tờ Business Standard của Ấn Độ cho biết Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA) từng bày tỏ mối lo ngại về việc lượng nhập khẩu các sản phẩm thép cán cụ thể tăng đáng kể.

Ngay sau đó, cơ quan của Bộ Thương mại Ấn Độ,  Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR), đã thực hiện cuộc điều tra tập trung vào việc nhập khẩu các sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng. Các sản phẩm này được dùng trong các ngành công nghiệp như chế tạo, sản xuất ống, xây dựng, sản xuất ô tô, máy kéo, xe đạp và bảng điện.

ISA cho biết lượng nhập khẩu tăng đột ngột và gây “thiệt hại nghiêm trọng” cho ngành thép trong nước. Họ chỉ ra rằng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đe doạ đến khả năng cạnh tranh và duy trì của các nhà sản xuất thép Ấn Độ.

Các quốc gia thành viên của WTO có thể triển khai các biện pháp như áp thuế hoặc hạn chế số lượng nhập khẩu để kiểm soát hàng nhập khẩu giá rẻ. Các biện pháp này nhằm mục đích tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành công nghiệp trong nước do phải đối mặt với sự gia tăng đột ngột và lớn về lượng hàng nhập khẩu.

Theo một số chuyên gia trong ngành, lượng nhập khẩu tăng lên một phần đến từ năng lực sản xuất dư thừa lớn ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, khi nhu cầu nội địa ở các thị trường này chậm lại.

Để đối phó với thách thức của hàng nhập khẩu giá rẻ, ngành thép Ấn Độ đã ủng hộ mức thuế tự vệ lên tới 25%, bao gồm cả các quốc gia là đối tác của Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về vấn đề này vẫn đang trong quá trình xử lý. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng sau khi DGTR hoàn tất cuộc điều tra, họ có thể đề xuất áp thuế và quyết định cuối cùng sẽ do Bộ Tài chính đưa ra. Nếu được chấp thuận, các mức thuế này sẽ áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của Ấn Độ.

Tham khảo Oilprice

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật