Nikkei Asia đưa tin, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập một quỹ cứu trợ cho các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính do thị trường bất động sản sụt giảm.
Khác với các quỹ tương tự được thành lập để bảo vệ khách hàng, mục đích của quỹ mới là ngăn chặn các tổ chức tài chính đột ngột sụp đổ, bởi chúng có thể gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Dự kiến sẽ có một dự luật trình bày chi tiết về cách thức quỹ mới này sẽ thu và phân bổ các khoản đóng góp. Dự luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc thảo luận trong phiên họp vào thứ Ba (25/6) và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm.
Quỹ này sẽ huy động tiền chủ yếu từ các công ty trong ngành tài chính, bao gồm ngân hàng và các dịch vụ thanh toán. Một nguồn tin từ Chính phủ Trung Quốc cho biết quỹ cuối cùng có thể sẽ nắm giữ hàng trăm tỷ nhân dân tệ (100 tỷ nhân dân tệ tương đương 13,8 tỷ USD). Trong trường hợp khẩn cấp, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – NHTW nước này – sẽ có thể mở rộng quy mô quỹ bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp.
Ảnh minh họa |
Trung Quốc hiện đã có quỹ bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền, bên cạnh các quỹ dành cho lĩnh vực bảo hiểm và ủy thác. Quỹ bảo hiểm tiền gửi nắm giữ 81 tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm ngoái.
Mặc dù các quỹ này chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ khách hàng, quỹ mới sẽ hỗ trợ các tổ chức tài chính, bởi sự sụp đổ của một tổ chức tài chính có thể sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn trên toàn bộ thị trường tài chính, gây ra hiệu ứng dây chuyền khiến các tổ chức tài chính và công ty phi tài chính khác cũng bị ảnh hưởng.
Cho đến nay, các chính quyền địa phương đã xử lý việc bơm vốn để giảm thiểu rủi ro tài chính. Họ đã sử dụng tiền huy động thông qua phát hành trái phiếu, vốn dự định dành cho các dự án cơ sở hạ tầng và các mục đích khác, để bơm vốn vào các ngân hàng vừa và nhỏ. Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 220 tỷ nhân dân tệ đã được sử dụng theo cách này vào năm 2023.
Tuy nhiên, các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu do thị trường bất động sản suy thoái. Khó khăn tài chính của họ sẽ tồi tệ hơn nếu họ phải phát hành trái phiếu để cứu các ngân hàng. Bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính góp vốn để thành lập quỹ mới, chính quyền Trung ương hy vọng điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho tài chính công.
Chính phủ Trung Quốc đang cảnh giác với nguy cơ lan rộng của rủi ro tài chính từ lĩnh vực bất động sản. Mối lo ngại về tín dụng đã gia tăng sau khi các nhà phát triển bất động sản lớn như China Evergrande Group và Country Garden Holdings không trả được nợ.
Cuối tháng 10, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương để định hướng giám sát tài chính quốc gia, trong đó có thông báo áp dụng quy định quản lý vĩ mô để kiểm tra tính lành mạnh của các ngân hàng. Điều này là dấu hiệu cho thấy Chính phủ nước này đang thận trọng về vấn đề tài trợ bất động sản.
Nợ xấu của các ngân hàng tăng vọt do thị trường bất động sản sụt giảm. Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn đã giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với một năm trước đó xuống còn 7,3% vào cuối năm 2023, theo nghiên cứu của Shinichi Seki thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản dựa trên dữ liệu tài chính của các công ty niêm yết.
Con số này cao hơn đáng kể so với mức 1,6% được ghi nhận trong số liệu thống kê của Chính phủ, được cho là thấp hơn thực tế do các đánh giá tài sản lỏng lẻo tại các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, theo nghiên cứu của Seki, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn cho các khoản vay lĩnh vực bất động sản là 19,4%, tăng gấp 6 lần so với cuối năm 2019.
Việc xử lý các khoản nợ khó đòi sẽ gây áp lực lên tài chính của các ngân hàng. Được biết, các ngân hàng đã xử lý tổng cộng 3 nghìn tỷ nhân dân tệ cho các khoản nợ xấu vào năm 2023, vượt mốc 3 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 4 năm liên tiếp.