Đội tuyển bóng đá Thái Lan thất bại trước Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup 2024 đang thu hút sự chú ý của truyền thông khu vực. Tuy nhiên, cú trượt ngã trên sân cỏ chỉ là bề nổi. Nền kinh tế Thái Lan đang phải vật lộn với hàng loạt thách thức nghiêm trọng trong năm 2025, khi chính sách kinh tế sửa đổi của Donald Trump, được gọi là Trumponomics 2.0, nổi lên như một mối đe dọa lớn.
Theo ông Aat Pisanwanich, chuyên gia kinh tế quốc tế và cố vấn tại Intelligence Research Consultant, đây là một trong những yếu tố chính làm cản trở tăng trưởng của Thái Lan, bên cạnh các vấn đề như nợ hộ gia đình, đầu tư trì trệ, lãi suất cao, sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị.
Trumponomics 2.0 được dự báo sẽ làm giảm GDP của Thái Lan từ 0,3% đến 0,5%, khiến nền kinh tế nước này chỉ có thể tăng trưởng từ 2,2% đến 2,7% trong năm nay. Đây cũng sẽ là năm thứ bảy liên tiếp Thái Lan đạt mức tăng trưởng dưới 3%.
Ông Aat cho biết, các mức thuế mới của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ giảm từ 5% đến 10%, dẫn đến tổng xuất khẩu giảm 2%. Điều này cũng sẽ kéo thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Mỹ xuống còn 27,5 tỷ baht (tương đương 804 triệu USD), trong khi nhập khẩu từ Mỹ có khả năng tăng gấp đôi.
Các lĩnh vực chính như điện tử, linh kiện ô tô và sản phẩm cao su dự kiến sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các mức thuế này.
Vai trò của Trung Quốc đối với kinh tế Thái Lan
Vai trò của Trung Quốc cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang làm giảm nhu cầu hàng hóa toàn cầu và số lượng khách du lịch nước ngoài. Việc Trung Quốc duy trì mức sản xuất cao để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% bằng cách duy trì mức sản xuất cao đã dẫn đến dư thừa sản phẩm Trung Quốc trên các thị trường đối tác, bao gồm cả Thái Lan.
“Nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống dưới 5%, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan có thể không vượt quá 7 triệu trên tổng số 32-34 triệu khách quốc tế dự kiến”, ông Aat nhận định. Lượng hàng hóa Trung Quốc tràn vào, bao gồm thép, thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng, được dự báo sẽ đẩy thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc lên mức cao nhất trong 6 năm.
“Người bệnh” của ASEAN
Thái Lan được dự báo sẽ trở thành “người bệnh” của ASEAN, với mức tăng trưởng GDP 2,4%, đứng thứ chín trong khối ASEAN. Việt Nam và Campuchia được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 6,2%. Xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng từ 1,5% đến 2,2%, với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 296 đến 298 tỷ USD.
Ông Aat bày tỏ lo ngại về các áp lực đa chiều trong năm 2025, có thể dẫn đến gia tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa, và một số có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Ông cũng nhấn mạnh việc áp dụng thuế VAT vào thời điểm hiện tại là không phù hợp với bối cảnh kinh tế.
Việc thiếu các dự án đầu tư lớn để thúc đẩy tăng trưởng và việc phân bổ ngân sách không hiệu quả cho các biện pháp dân túy càng làm trầm trọng thêm các thách thức kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng do sự suy giảm kinh tế, các công ty đóng cửa hoặc cắt giảm quy mô, theo Bangkok Post.
“Nền kinh tế Thái Lan vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu và du lịch. Sự phụ thuộc này đặt ra nhiều rủi ro nếu bất kỳ yếu tố nào trong số này bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Aat kết luận.
Theo Thaiger