Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 6/1, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Duy Anh (39 tuổi, ngụ xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo cáo trạng, vào tối 17/3/2023, ông L.V.T thực hiện giao dịch chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng để trả nợ 450 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác, ông đã chuyển nhầm số tiền này vào tài khoản của Phạm Duy Anh.
Ảnh minh hoạ: Dù nhận được tin nhắn thông báo chuyển nhầm, bị cáo này vẫn phớt lờ vì đang thiếu nợ. Nguồn: Internet |
>> Một ngân hàng thuê 8 chuyến bay chở 600 người đi Thái Lan cổ vũ bóng đá
Sau khi phát hiện sai sót, ông T nhanh chóng chuyển thêm 10.000 đồng kèm lời nhắn thông báo đã chuyển nhầm và đề nghị Duy Anh liên lạc để hoàn trả. Dù nhận được tin nhắn, bị cáo Duy Anh vẫn phớt lờ vì đang thiếu nợ. Ông T tiếp tục thực hiện thêm hai giao dịch tương tự với lời nhắn khẩn thiết, nhưng bị cáo vẫn không trả lại số tiền.
Trưa hôm sau, bị cáo Duy Anh đã sử dụng hơn 6 triệu đồng trong tài khoản để trả nợ một người phụ nữ. Hai ngày sau, bị cáo này tiếp tục chuyển 10 triệu đồng cho một người đàn ông khác để thanh toán nợ cá nhân.
Đến ngày 15/4/2023, khi cố gắng thực hiện giao dịch trả tiền điện, bị cáo Duy Anh phát hiện tài khoản đã bị ngân hàng phong tỏa. Lúc này, tài khoản còn hơn 434 triệu đồng. Sự việc sau đó đã được trình báo lên cơ quan chức năng.
Ngày 13/9/2024, TAND huyện Đức Hòa (Long An) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Duy Anh 2 năm tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Sau phiên tòa, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và muốn hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định bị cáo không trả lại tiền dù biết rõ là tài sản chuyển nhầm, thay vào đó còn sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc TAND huyện Đức Hòa tuyên bị cáo phạm tội là hoàn toàn chính xác và không oan sai.
Tuy nhiên, xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX cho rằng bị cáo phạm tội lần đầu, đã hoàn trả số tiền cho nạn nhân, đồng thời nhận được đơn xin giảm nhẹ từ phía bị hại. Gia đình bị cáo cũng có hoàn cảnh khó khăn, phải chăm sóc con nhỏ đang bị bệnh. Việc cho bị cáo hưởng án treo là phù hợp, đảm bảo tính giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Anh mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
>> Chuyên đi xử lý nợ của các doanh nghiệp, DATC làm ăn ra sao?