Ngày 5/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng UBND các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.
Phó Thủ tướng cho biết Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 10487/BKHĐT-PTHTĐT ngày 19/12/2024, đồng thời phối hợp với các địa phương xác định rõ nguồn vốn và khả năng bố trí vốn nhà nước tham gia dự án. Trên cơ sở đó, Bộ cần đề xuất hình thức và lộ trình đầu tư phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án trước ngày 15/1/2025.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ về phương án triển khai cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo quy hoạch tuyến cao tốc Nha Trang – Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 99km với điểm đầu giao với cao tốc Bắc – Nam tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trước mắt, UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất triển khai trước đoạn cao tốc Nha Trang – Đà Lạt dài gần 81km. Dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư trong khi CTCP Tư vấn Trường Sơn là đơn vị lập báo cáo.
Dự án được đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe (chiều rộng nền đường từ 22-24,75m), vận tốc thiết kế từ 80-100km/h. Đoạn còn lại dài hơn 18km sẽ được triển khai khi có nhu cầu và đủ nguồn lực. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 1.171 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị là 18.889 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 1.511 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công 427 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 3.060 tỷ đồng.
Hướng tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt (Ảnh: Đăng Hiếu) |
Phản hồi về phương án trên, Bộ GTVT cho biết quy mô đầu tư dự án là phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Theo nghiên cứu sơ bộ, lưu lượng xe trên cao tốc Nha Trang – Đà Lạt đến năm 2030 khoảng 7.334 xe/ngày/đêm (tương ứng 2 làn xe). Đến năm 2035 khoảng 10.827 xe/ngày/đêm (tương ứng với 4 làn xe).
“Như vậy, việc đầu tư dự án trước năm 2030 theo đề xuất của địa phương để đáp ứng nhu cầu vận tải là có cơ sở”, Bộ GTVT nêu ý kiến.
Đối với nguồn vốn thực hiện dự án, UBND hai tỉnh đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 của ngành GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết khả năng cân đối vốn cho dự án trong giai đoạn 2026-2030 là rất khó khăn và đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Đồ họa một phần tuyến đường cao tốc Nha Trang – Đà Lạt (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Liên quan đến đề xuất làm dự án, Tập đoàn Sơn Hải nhận định Quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất kết nối thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, đoạn đường này có đoạn đèo Khánh Lê dài khoảng 30km với địa hình quanh co và hiểm trở, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa có trọng tải lớn. Bên cạnh đó, Quốc lộ 27C cũng thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa bão và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Đặc biệt, với nhu cầu vận tải hàng hóa trọng tải lớn từ Tây Nguyên ra các cảng biển Nam Trung Bộ ngày càng cao, cùng với nhu cầu kết nối 2 trung tâm du lịch trọng điểm là Nha Trang và Đà Lạt bằng một tuyến đường hiện đại, an toàn, việc đầu tư tuyến cao tốc nối liền 2 thành phố này trở nên cấp bách.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải đã khẳng định: “Sơn Hải quyết tâm tham gia dự án này với mong muốn xây dựng tuyến đường cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam”.
Khi hoàn thành, cao tốc Nha Trang – Đà Lạt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 địa phương từ 3,5 – 4 giờ xuống còn chỉ 1,5 – 2 giờ, tạo ra động lực phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.