Theo báo cáo Future of Jobs Report vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, 41% doanh nghiệp trên toàn cầu đã nghĩ đến việc cắt giảm nhân sự do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này đã tự động hóa nhiều nhiệm vụ tại công sở, làm thay đổi cách thức vận hành truyền thống.
Khảo sát được thực hiện với hàng trăm doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới, trong đó 77% doanh nghiệp cho biết họ dự định đào tạo lại hoặc nâng cấp kỹ năng cho nhân viên trong giai đoạn 2025-2030, nhằm giúp lực lượng lao động thích nghi tốt hơn với AI. Tuy nhiên, khác với báo cáo năm 2023, kết quả năm nay không nhấn mạnh rằng các công nghệ, bao gồm AI, sẽ mang lại “tác động tích cực” về số lượng việc làm.
Hơn 40% doanh nghiệp toàn cầu dự định cắt giảm nhân sự do AI. Ảnh: Internet |
>> Hơn 23.500 lao động tại Hà Tĩnh thoát cảnh thất nghiệp
“Sự phát triển của AI và năng lượng tái tạo đang định hình lại thị trường lao động. Điều này thúc đẩy nhu cầu về các vị trí chuyên gia công nghệ nhưng đồng thời lại giảm đáng kể nhu cầu ở một số lĩnh vực, như thiết kế đồ họa”, WEF thông tin.
Một số vị trí như nhân viên bưu điện, thư ký… đang thuộc nhóm có nguy cơ bị cắt giảm nhiều nhất trong thời gian tới. Nguyên nhân đến từ sự phát triển của AI cùng các xu hướng khác trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về các kỹ năng liên quan đến AI lại gia tăng mạnh mẽ. Gần 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ dự định tuyển dụng thêm nhân sự có khả năng thiết kế và cải tiến công cụ AI. Trong khi đó, 62% cho biết sẽ ưu tiên tuyển thêm lao động có kỹ năng làm việc với công nghệ AI.
Thực tế đã cho thấy nhiều vị trí việc làm đã bị AI thay thế trong vài năm gần đây. Một số công ty công nghệ lớn như Dropbox hay Duolingo đã viện dẫn AI làm lý do để cắt giảm nhân sự.
Trước nguy cơ bị thay thế bởi AI, việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động trở thành nhu cầu bức thiết. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo AI đối với tất cả bộ phận, bao gồm cả nhóm nhân viên không chuyên về công nghệ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang áp dụng mô hình “learning by doing”, cho phép nhân viên vừa làm vừa học với sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Không chỉ trong khối doanh nghiệp, việc nâng cao tay nghề cũng đang được triển khai trong khối Nhà nước. Theo TS. Trịnh Huyền Mai và ThS. Lê Hồ Vĩ, các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng những thách thức của AI. Họ đề xuất những chương trình tài trợ các đối tượng không có nền tảng công nghệ vững chắc, tạo cơ hội học tập liên tục trong khối khu vực công.