spot_img
16 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu VIMC (MVN) sau khi...

Nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu VIMC (MVN) sau khi siêu dự án cảng 113.000 tỷ đồng có bước tiến mới

Trong 2 tháng gần đây, cổ phiếu VIMC (MVN) đã bật tăng khoảng 106% và ghi nhận thanh khoản kỷ lục vào phiên 8/1, phản ánh sức nóng của siêu dự án cảng biển 113.000 tỷ đồng.

Ngày 6/1/2025, tại Hội nghị tổng kết hoạt động, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC (tên cũ Vinalines – mã MVN) đã cập nhật về tình hình kinh doanh năm 2024 cũng như định hướng phát triển trong năm 2025.

Theo ban lãnh đạo, trong năm 2024, VIMC đã duy trì đà tăng trưởng và đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong nhiều năm. Sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 145 triệu tấn, tương đương 126% so với cùng kỳ và 117% so với kế hoạch năm.

Kết quả này đã giúp doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng (doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 35% kế hoạch). Lợi nhuận của VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023 và vượt 28% kế hoạch. Mức lương bình quân của người lao động đạt 18,2 triệu đồng/tháng, với công ty mẹ là 25,1 triệu đồng/tháng, vượt 9% so với kế hoạch.

Các dự án trọng điểm của VIMC cũng được đẩy mạnh và đạt tiến độ như kế hoạch. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang hoàn thành các gói thầu và chuẩn bị đưa vào khai thác trong quý I/2025. Về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, VIMC đã bổ sung hồ sơ và giải quyết cơ bản các thủ tục liên quan trong năm 2024. Sang năm 2025, doanh nghiệp sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng tham gia đầu tư.

Nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu VIMC (MVN) sau khi siêu dự án cảng 113.000 tỷ đồng có bước tiến mới
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: VNExpress)

Được biết, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC và Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư với tổng vốn khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD).

Dự án được quy hoạch với diện tích 571ha nằm tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047, bằng 50% sản lượng Singapore hiện nay.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, Phó Thủ tướng đang cân nhắc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Sau khi được thông qua, thành phố sẽ tiến hành đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án ngay trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, Bộ KH&ĐT đã có Báo cáo thẩm định số 10120/BC-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo lần thứ 2 về Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Một số điều kiện đáng chú ý để dự án được phê duyệt:

– Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi đảm bảo phù hợp quy hoạch các cấp, chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng theo đúng quy định, đồng thời hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường.

– Công nghệ sử dụng phải đáp ứng quy định của pháp luật về chuyển giao và ứng dụng.

– Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau thời gian này, việc thay đổi nhà đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật và được UBND TP. HCM chấp thuận.

– Các hoạt động chuyển nhượng liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài phải được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan đồng ý.

Nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu VIMC (MVN) sau khi siêu dự án cảng 113.000 tỷ đồng có bước tiến mới
Cổ phiếu MVN đã tăng gấp đôi trong 2 tháng qua

Sau hàng loạt thông tin tích cực, cổ phiếu MVN đã ghi nhận đà tăng mạnh trong 4 phiên gần đây (+21%) và đạt thanh khoản kỷ lục vào phiên 8/1. Nhìn rộng hơn, thị giá của VIMC đã tăng 106% trong 2 tháng qua, phản ánh sức nóng của siêu dự án cảng biển.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật