spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới,...

Nhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới, chuyện gì đang xảy ra với Trung Quốc?

Giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài hàng thập kỷ giống như Nhật Bản trước đây.

Các chuyên gia nhận xét, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ trị giá 11 nghìn tỷ USD của Trung Quốc chưa bao giờ bi quan đến vậy về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một số người đang đặt cược vào kịch bản giảm phát tương tự Nhật Bản những năm 1990.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tuần gần đây, tạo khoảng cách chưa từng có lên tới 300 điểm cơ bản so với Mỹ, bất chấp hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế từ chính quyền.

Đà lao dốc này đã kéo lợi suất trái phiếu Trung Quốc xuống dưới cả mức được ghi nhận trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19. Nó cũng phản ánh nỗi lo ngày càng lớn rằng Bắc Kinh có thể thất bại trong việc ngăn chặn suy thoái kéo dài hàng thập kỷ.

Nhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới, Trung Quốc lo rơi vào thập kỷ mất mát - ảnh 1
10 công ty môi giới lớn nhất của Trung Quốc đều đã thực hiện nghiên cứu về suy thoái tại Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang nghiêm túc chấp nhận nguy cơ rủi ro hóa như thế nào. Ảnh: BNN

Nếu nỗi lo này là đúng, giới phân tích cho rằng hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Theo họ, giảm phát kéo dài có thể bóp nghẹt một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới, gây áp lực lên ổn định xã hội và gia tăng dòng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc – vốn đã đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái.

Dấu hiệu “Nhật hóa” trong nền kinh tế Trung Quốc

Trước nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc lặp lại “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, 10 công ty chứng khoán lớn nhất nước này đã công bố các nghiên cứu về giai đoạn kinh tế trì trệ của quốc gia láng giềng.

Nhà kinh tế học Richard Koo cho biết ông đã nhận được yêu cầu chia sẻ ý kiến từ các công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc. Trong khi đó, tuần này, Goldman Sachs nhận định trường hợp của Nhật Bản sẽ mang lại “bài học quý giá” cho nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc – những người đang lao đao vì khởi đầu năm tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ.

Dù chưa chắc Trung Quốc sẽ đi theo vết xe đổ của Nhật Bản, những điểm tương đồng là không thể phủ nhận: khủng hoảng bất động sản, đầu tư tư nhân yếu, tiêu dùng trì trệ, gánh nặng nợ cao và dân số già hóa nhanh chóng.

Ngay cả những nhà đầu tư lạc quan cũng lo ngại Bắc Kinh chưa hành động đủ quyết liệt.

Nhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới, Trung Quốc lo rơi vào thập kỷ mất mát - ảnh 2
Các tòa nhà dân cư chưa hoàn thành ở tỉnh Liaoning, Trung Quốc. Ảnh: Andrea Verdelli

Các nhà phân tích cảnh báo: “Càng chậm trễ trong việc vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng, việc hồi phục kinh tế càng trở nên khó khăn hơn”.

Xin-Yao Ng, Giám đốc đầu tư tại abrdn Plc, bình luận: “Khi tâm lý bi quan không được giải quyết, nền kinh tế sẽ rơi vào vòng xoáy suy thoái tồi tệ hơn”.

Trung Quốc trên bờ vực

Bước sang năm 2025, thị trường Trung Quốc đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lợi suất trái phiếu 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,6% trong khi chỉ số CSI 300 mất 3,5% trong 4 phiên đầu năm còn đồng nhân dân tệ ở nước ngoài chạm mức thấp gần kỷ lục. Giới chức nước này đã phải can thiệp để ổn định tỷ giá.

Theo Richard Koo, tình trạng “suy thoái cán cân tài chính” – khái niệm ông sử dụng để giải thích cuộc khủng hoảng kéo dài của Nhật – đã xuất hiện tại Trung Quốc. Tình trạng này xảy ra khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đồng thời giảm nợ và tăng tiết kiệm, dẫn đến hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh.

Mặc dù Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp kích thích từ cuối tháng 9, niềm tin vẫn chưa được khôi phục. Các chính sách hiện tại chưa đủ mạnh để đảo ngược xu hướng giảm phát khi tâm lý tiêu dùng yếu, thị trường bất động sản khủng hoảng và môi trường kinh doanh thiếu chắc chắn tiếp tục kìm hãm lạm phát.

Nhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới, Trung Quốc lo rơi vào thập kỷ mất mát - ảnh 3
Lợi suất trái phiếu Trung Quốc giảm mạnh so với Nhật Bản. Nguồn: BNN

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng Trung Quốc đang rơi vào suy thoái giống như Nhật Bản. Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế nước này vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ mức thu nhập trung bình thấp hơn.

Wang Yingrui, chuyên gia kinh tế tại AXA Investment Managers, nhận xét chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, nhưng không đến mức tạo thành một cuộc suy thoái toàn diện.

Bà nói rằng khả năng chi tiêu của Chính phủ đang giúp giảm thiểu tác động tiêu cực, ít nhất là trong ngắn hạn. Một số nhà kinh tế khác dự đoán nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi vào năm 2026 khi thị trường bất động sản chạm đáy và các ngành công nghiệp mới như xe điện đóng vai trò lớn hơn.

Bài học từ Nhật Bản

Nhật Bản, trong giai đoạn mất mát từ 1990 đến 2010, là lời cảnh báo rõ ràng cho các nhà đầu tư vào tài sản Trung Quốc. Chỉ số Nikkei 225 mất hơn 70% giá trị, gây thêm áp lực lên hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tăng vọt.

Phải mất hơn 30 năm, chỉ số này mới quay lại đỉnh năm 1989 nhờ vào chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài, cải cách quản trị doanh nghiệp và sự hồi sinh của lạm phát.

Nhân dân tệ và chứng khoán lao dốc ngay đầu năm mới, Trung Quốc lo rơi vào thập kỷ mất mát - ảnh 4
Chỉ số Nikkei 225 đạt đỉnh vào ngày 29/12/1989 và chỉ được khôi phục vào tháng 2/2024. Nguồn: Kyodo News

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh hơn 8% vào năm 1990, trước khi giảm liên tục xuống dưới 0% vào giữa thập niên 2010.

Nhưng nếu Trung Quốc thực sự rơi vào “cái bẫy Nhật Bản”, điều đó cũng có thể tạo ra cơ hội đầu tư. Các báo cáo từ Haitong Securities chỉ ra tiềm năng ở cổ phiếu trả cổ tức cao, công ty công nghệ và doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số nhà đầu tư kỳ cựu, như Mark Mobius, tin rằng Trung Quốc có khả năng tránh lặp lại số phận của Nhật nhờ vai trò lớn của Chính phủ trong nền kinh tế.

Dù vậy, các chuyên gia lưu ý Bắc Kinh cần nhanh chóng rút ra bài học từ Nhật Bản, đặc biệt là việc khuyến khích người dân chi tiêu thay vì chỉ đổ tiền vào đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp.

Jesper Koll, Giám đốc tại Monex Group, cho hay: “Nhật Bản chỉ bắt đầu phục hồi khi Chính phủ trực tiếp chuyển tiền vào túi người dân thay vì chỉ rót vốn vào doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng. Phải mất tới 20 năm để họ nhận ra điều này – hy vọng Trung Quốc sẽ không mất ngần ấy thời gian để học bài học đó”.

Theo Law News, Yahoo Finance, BNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật