Chủ tịch Phúc Sinh Group – ông Phan Minh Thông (người được mệnh danh là “vua tiêu” Việt Nam) – vừa có buổi chia sẻ về cuốn sách thứ ba do bản thân ông viết. Được biết, những cuốn sách là những câu chuyện thực chiến mà bản thân ông Thông trải nghiệm trong suốt hành trình kinh doanh của mình.
“Cà phê Việt Nam bây giờ nhiều tiền mới mua được”
“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi cung ứng nông sản của thế giới. Cuốn sách bằng tiếng anh của tôi đã thu hút một đối tác Hà Lan, họ đã quyết định đặt mua 1 container cà phê loại Blue Sơn La sau khi đọc”, ông Thông nói.
Chia sẻ về loại nông sản này, ông Thông cho biết năm 2023-2024 là thời khốc liệt của cà phê và hồ tiêu. Giá cả hai mặt hàng này đã tăng một cách “điên rồ”. Riêng mặt hàng cà phê, Việt Nam đứng thứ hai thế giới (sau Brazil) và đứng thứ nhất về sản lượng Robusta. Chủ tịch Phúc Sinh cũng nhấn mạnh: “Sản phẩm cà phê Việt Nam bây giờ nhiều tiền mới mua được”.
Trong khi nếu 12 năm trước, trong một hội thảo cà phê ở Hà Lan, ông Thông kể khi nói về Việt Nam có cà phê đặc sản thì một vị khách người Pháp đã lăn ra cười đỏ mặt đến mức ngã khỏi ghế. Sau này, khi ông Thông bắt tay làm cà phê đặc sản, khách hàng đã dần thay đổi cách nhìn về nông sản Việt Nam. Tại nhà máy, cà phê Arabica Sơn La của Phúc Sinh đã bán hết 8.000 tấn trong thời gian ngắn.
“Giá tăng càng nhanh thì xuống càng nhanh ”
Dù giá tăng song lợi ích vẫn không phải hoàn toàn về người nông dân. Theo ông, cuộc chiến tranh giành mua nguyên liệu đã đẩy không ít công ty xuất khẩu, các nhà rang xay nhỏ và vừa, các thương lái, trader… lâm vào cảnh khánh kiệt. Nếu không nhạy bén với thị trường và có sách lược ứng phó linh hoạt, các công ty nông sản rất khó tồn tại trong thế giới đầy nhiễu động.
Ông Thông kể “với mức giá này thì khi lên Tây Nguyên hồi tháng 7/2023, tôi đã thấy ngày nào dân cũng trồng cà phê mới, cây giống liên tục cháy hàng”.
Trong khi, nếu cà phê Robusta của Việt Nam vốn được thế giới ưa chuộng vì ngon và giá rẻ, nay đã tăng vọt hơn cả Arabica thì nhiều nhà rang, xay đã thay đổi công thức chế biến. Thay vì dùng Robusta của Việt Nam, họ nhập loại hàng này từ các nước khác và nhiều nhất là Brazil. Ngoài ra, họ cũng thay Robusta bằng Arabica – loại cà phê được thế giới ưa chuộng hơn và có giá ổn định.
Điều đó đặt ra thách thức lớn là “giá tăng càng nhanh thì xuống càng nhanh. Khi giá tăng, chúng ta phải vật lộn nhưng khi giá xuống thì cũng đau thương không kém”. Do đó, điều cần thiết theo ông Thông là phải đầu tư vào phát triển bền vững, nâng cao năng lực chế biến, gia tăng giá trị cộng thêm.
Kinh nghiệm bán buôn với nước ngoài và cú “thoát lừa 20 container cà phê ở cảng Misurata ”
Bên cạnh giá cả, việc kinh doanh xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Trong cuốn sách thứ ba, ông Thông có ghi lại câu chuyện “thoát lừa 20 container cà phê ở cảng Misurata”. Cụ thể, chuyến hàng gập ghềnh ngay từ khâu khách hàng yêu cầu làm bộ chứng từ quá khó. Họ đã dàn xếp một kịch bản siêu tinh vi. Ngân hàng đối tác từ chối thanh toán vì cho rằng chứng từ không hợp lệ. Và ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, công ty yêu cầu hãng tàu giữ hàng ở Ý nhưng không biết bằng cách nào, hàng vẫn trên đường đến Misurata. Qua nhiều đấu tranh, cuối cùng, doanh nghiệp vẫn thoát lừa gang tấc, thành công giữ được hàng.
“Làm ăn với nước ngoài lâu, tôi cũng nhận ra được tỷ lệ rủi ro với từng thị trường. Ví như xuất khẩu tới châu Phi cứ 2 hợp đồng dễ bị “xù kèo” 1 hợp đồng; Trung Đông trả chậm, 100 hợp đồng sẽ mất khoảng 4-5 cái. Riêng với châu Âu, Bắc Mỹ mỗi năm tôi bán 5.000-6.000 container nhưng chưa “trượt” cái nào. Buôn bán với châu Phi lo lắng nhất vì nếu chẳng may hàng cập cảng mới biết mình bị lừa sẽ chẳng có cách gì lấy ra được. Ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, Syria, Pakistan cũng vậy…” , đại diện Phúc Sinh chia sẻ.