Mỹ từng mua lãnh thổ từ Nga
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với Greenland thông qua một loạt các tuyên bố, bao gồm không loại trừ việc dùng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép kinh tế để sở hữu hòn đảo có diện tích lớn nhất thế giới .
Theo Giáo sư danh dự thỉnh giảng Đại học Alaska Anchorage William Hensley, thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ muốn mua được một phần Bắc Cực. Mỹ đã mua Alaska từ Nga vào năm 1867.
Trong bài viết đăng tải trên The Conversation ngày 9/1, Giáo sư Hensley cho biết, vào ngày 30/3/1867, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là William H. Seward và phái viên Nga là Nam tước Edouard de Stoeckl đã ký Hiệp ước Nhượng bộ.
Chỉ bằng một nét bút, Sa hoàng Alexander II đã nhượng lại Alaska, điểm đến cuối cùng của Nga ở Bắc Mỹ, cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD – một con số rất hời cho bên mua. Số tiền đó, tương đương với 138 triệu USD theo giá trị hiện nay.
Ngày nay, Alaska là một trong những bang giàu có nhất nước Mỹ nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ, vàng và cá, cùng vùng đất hoang sơ rộng lớn và vị trí chiến lược như một cửa sổ nhìn ra nước Nga và cửa ngõ vào Bắc Cực.
Bang Alaska hiện là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, với các căn cứ quân sự đặt tại Anchorage và Fairbanks, và là tuyến đường duy nhất kết nối đất nước này với Bắc Cực.
Thêm nữa, lần gần nhất Mỹ “mua” một vùng lãnh thổ là vào năm 1917, khi mua lại Quần đảo Tây Ấn gồm ba đảo Saint Thomas, Saint John và Saint Croix của Đan Mạch, hiện được gọi là Quần đảo Virgin.
Mỹ muốn mua nhóm đảo này để thiết lập sự hiện diện quân sự ở vùng Caribe. Nước này đã cố gắng mua nhóm đảo từ Đan Mạch vào năm 1867 và 1902 nhưng không thành công.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Đan Mạch trở nên căng thẳng hơn khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914. Mỹ lo ngại rằng Đức có thể kiểm soát các đảo và sử dụng chúng làm căn cứ hải quân.
Một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào năm 1916, trong đó gần 2/3 cử tri Đan Mạch đã bỏ phiếu bán các đảo. Đan Mạch chính thức bàn giao các đảo cho Mỹ vào ngày 31/3/1917, với mức giá 25 triệu USD tiền vàng.
Luật pháp hiện nay
Theo tờ Indian Express ngày 9/1, ngày nay, việc “bán” lãnh thổ phức tạp hơn nhiều do luật pháp quốc tế ưu tiên quyền tự quyết.
Điều đầu tiên của Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ: “Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng quyền lợi và quyền tự quyết của các dân tộc và thực hiện các biện pháp thích hợp khác để củng cố hòa bình toàn cầu”.
Quyền tự quyết đề cập đến khả năng của người dân trong việc lựa chọn cách tự quản lý. Điều này cũng đã được các Thủ tướng Đan Mạch và Greenland nêu rõ.
Trong một thông điệp trên Facebook mới đây, Thủ tướng Múte B. Egede của Greenland viết: “Greenland thuộc về người dân Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng ta là việc của chúng ta. Trong khi những người khác, bao gồm cả người Đan Mạch và người Mỹ, có quyền đưa ra ý kiến của họ, chúng ta không nên bị cuốn vào cơn hỗn loạn và áp lực bên ngoài khiến chúng ta mất tập trung khỏi con đường của mình. Tương lai là của chúng ta và chúng ta phải định hình nó”.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng khẳng định rằng “Greenland thuộc về người Greenland”. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đan Mạch TV 2, bà Frederiksen cho biết: “Một mặt, tôi vui mừng về sự gia tăng mối quan tâm của người Mỹ đối với Greenland. Mặt khác, tôi muốn khuyến khích mọi người tôn trọng rằng người Greenland là một dân tộc, đó là đất nước của họ, và chỉ có người Greenland mới có thể quyết định và vạch rõ tương lai của Greenland”.
Con đường phía trước
Giới chuyên gia cho rằng, để “mua” Greenland, ông Trump sẽ phải đàm phán hiệp ước với Greenland và Đan Mạch.
Nếu Greenland giành được độc lập và chọn liên minh với Mỹ, trong trường hợp đó, Đan Mạch sẽ không được can thiệp.
Chính phủ của Thủ tướng Egede đang thể hiện mong muốn thúc đẩy độc lập cho Greenland. Ông tuyên bố trong bài phát biểu ngày 3/1: “Đã đến lúc chúng ta phải tiến thêm một bước và định hình tương lai nhưng cũng phải cân nhắc xem chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với ai và đối tác thương mại của chúng ta là ai”.
“Công tác xây dựng khuôn khổ để Greenland trở thành một quốc gia độc lập đã bắt đầu được tiến hành,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ulrik Pram Gad, “không có người dân Greenland nào muốn chuyển sang một chủ nhân thực dân mới”.
Hơn nữa, Greenland sẽ phải cân nhắc đến những tác động về mặt tài chính trước khi bỏ phiếu độc lập. Đan Mạch hiện đang cung cấp khoản viện trợ hàng năm là 521 triệu USD cho Greenland, chiếm 2/3 ngân sách hàng năm của đảo này, theo The Financial Times.