Ngày 3/1, CTCP Quốc tế Phương Anh (UPCoM: PAS) có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến số liệu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 tại báo cáo tài chính quý IV/2023. Cụ thể, công ty công bố lãi 106,5 triệu đồng trong năm 2023, nhưng báo cáo kiểm toán cho thấy lỗ 289,9 triệu đồng. Doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính 125 triệu đồng cho lỗi này và buộc phải cải chính thông tin.
Trong văn bản giải trình, PAS thừa nhận sai sót và cho rằng đây là lần đầu tiên xảy ra, nguyên nhân xuất phát từ quá trình nhập liệu, chuyển đổi file báo cáo tài chính, dẫn đến số liệu bị lệch. Thời điểm năm 2023, nhân sự phòng kế toán liên tục biến động. Các kế toán mới có kinh nghiệm và trình độ còn yếu trong lĩnh vực kế toán công ty niêm yết nói riêng và kế toán nói chung. Đồng thời, hệ thống trang thiết bị của phòng kế toán đã lỗi thời, khiến khâu xử lý file bị lỗi và nhảy số liệu chưa chính xác.
Hình ảnh tại nhà máy của PAS |
CTCP Quốc tế Phương Anh thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các chủng loại thép và sản phẩm kim loại như: thép cán nguội, thép cán nóng tẩy gỉ phủ dầu PO, thép không gỉ, thép mạ. Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trung tâm cắt xẻ kim loại với tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD, trên diện tích 22.788m², đặt tại tỉnh Hưng Yên, công suất cắt xẻ khoảng 60.000 tấn/năm.
PAS thường ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận khá đều đặn trong khoảng 10 – 20 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, công ty đạt lãi đột biến 61,7 tỷ đồng vào năm 2021 khi giá thép tăng cao. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh có phần kém khả quan, khi lỗ trong năm 2023 và chỉ đạt lãi mỏng 2,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024.
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, quy mô tài sản của công ty là 832 tỷ đồng, bao gồm nợ phải trả 460 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 372 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAS có thị giá 3.100 đồng/cp tại ngày 10/1/2025, giảm gần 90% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022. Vốn hóa của công ty hiện còn 87 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, PAS không có cổ đông lớn. Bà Hà Thị Hải Vân là cổ đông nắm giữ nhiều nhất, với 4,9% cổ phần. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường thậm chí không sở hữu cổ phần nào tại doanh nghiệp. Ông Cường đồng thời giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn Thành Nam (HoSE: TNI), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực inox.