18 C
Hanoi
spot_img
18 C
Hanoi
Trang chủChứng KhoánVN-Index thoát hiểm; cổ phiếu Petrolimex tăng mạnh sau khi báo lãi...

VN-Index thoát hiểm; cổ phiếu Petrolimex tăng mạnh sau khi báo lãi lớn

VN-Index có cú lội ngược dòng ngoạn mục từ vùng 1.220 điểm lên 1.235 điểm, tuy nhiên thanh khoản thị trường không được cải thiện. PLX tăng mạnh nhất VN30 sau khi báo lãi 3.500 tỷ đồng.

Với phần lớn thời gian vận động ở vùng giá giảm, VN-Index về mức thấp nhất tại 1.220,87 điểm. Đúng như dự báo của giới phân tích, vùng 1.220 điểm vẫn là hỗ trợ mạnh đối với chỉ số. Lực cầu bắt đáy tại đây đã giúp chỉ số bật hồi.

Từ khoảng 13h44, chỉ số ngược dòng mạnh mẽ, nhanh chóng lấy lại ngưỡng 1.230 điểm và đóng cửa tăng 5,17 điểm tương ứng 0,42% lên 1.235,65 điểm. HNX-Index tăng 0,12 điểm tương ứng 0,06% và UPCoM-Index tăng 0,07 điểm tương ứng 0,08%.

Thanh khoản trên HoSE chỉ đạt 519,69 triệu cổ phiếu tương ứng 12.119,09 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 43,71 triệu cổ phiếu tương ứng 689,83 tỷ đồng và trên UPCoM là 25,95 triệu cổ phiếu tương ứng 299,63 tỷ đồng.

Như vậy, dòng tiền vào thị trường vẫn chưa cải thiện so với phiên trước, theo đó, sự hồi phục của chỉ số có thể lý giải do lực bán ra cạn kiệt.

VN-Index dao động trong khoảng 15 điểm phiên 13/1 (Nguồn: Bloomberg).

PLX là cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30, tăng 2,1% lên 38.900 đồng. Cổ phiếu Petrolimex diễn biến tích cực về giá sau khi hé lộ các chỉ tiêu kinh doanh: Doanh thu hợp nhất ước đạt 270.000 tỷ đồng và lãi trước thuế hợp nhất ước đạt 3.500 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch 44% và 21%. Tuy vậy, nếu so với năm 2023 thì các kết quả này lại giảm 1,5% về doanh thu và hơn 11% về lợi nhuận trước thuế.

Mặc dù các chỉ số đều tăng nhưng độ rộng toàn thị trường lại cân bằng với 385 mã giảm và 385 mã tăng. Trong đó, HoSE có 206 mã tăng giá và 191 mã giảm.

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng là động lực giúp chỉ số có sự chuyển biến tích cực do nhóm này có nhiều mã vốn hóa lớn, đồng thời giao dịch cũng sôi động hơn so với phần còn lại của thị trường. Cụ thể, TCB, MBB, LPB cùng tăng 1,7%; EIB tăng 1,1%; VCB, HDB, CTG và BID cùng tăng 0,5%. Trong đó, HDB khớp lệnh 14,7 triệu cổ phiếu.

Nhiều mã cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính cũng chuyển sang sắc xanh trên bảng điện tử. EVF tăng 4,9%; ORS tăng 4,5%; DSE tăng 4,4%; FTS tăng 3,4%; CTS tăng 2,5%; HCM tăng 2,2%; VCI tăng 2,1%; VDS tăng 2%; SSI tăng 1,9% và BSI cũng tăng 1,9%. Các mã khác như AGR, VND, TVS đều tăng giá.

Phần lớn cổ phiếu bất động sản hồi phục tốt. TCH tăng 3%; DXS tăng 3,4%; SJS tăng 3,5%. Cổ phiếu FIR vẫn giữ trạng thái tăng trần đến hết phiên. Tuy vậy, chiều ngược lại, NVL vẫn ghi nhận mức điều chỉnh sâu 4,3%; TDH giảm 1,5%; QCG, VRE, HQC, TDC, VIC, KBC giảm giá.

Tương tự, tại nhóm xây dựng và vật liệu cũng chứng kiến đà hồi phục tích cực. Chẳng hạn, NHA và GMH đều có thời điểm giảm sàn trong phiên nhưng kết phiên lần lượt tăng 3,6% và 1,8%. Các mã khác là CTD tăng 2,7%; HHV tăng 2,2%; CTI tăng 1,9%; VCG tăng 1,4%.

Nhóm ngành tài nguyên cơ bản có sự phân hóa rõ nét. HPG tăng 1,4%, khớp lệnh 13,6 triệu đơn vị; HSG tăng 1,5%; TLH tăng 1,6%; BMC tăng 3,2%; SMC tăng 3,9%. Tuy nhiên, HAP lại giảm sàn, DHM, PTB, TTF, DLG, VPG giảm giá.

Phiên này, mặc dù thị trường hồi phục nhưng khối ngoại vẫn bán ròng khoảng 78 tỷ đồng trên toàn thị trường. Hoạt động bán ròng của khối nhà đầu tư này tập trung tại FPT với giá trị bán ròng lên tới 138 tỷ đồng. Cổ phiếu FPT phiên hôm nay tăng nhẹ 0,2% lên 147.600 đồng, khớp lệnh đạt gần 3,5 triệu đơn vị.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật