Ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) và Thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Ấn Độ, không chỉ tạo ra nguồn thu lớn mà còn tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia vẫn đang đối mặt với bài toán tạo việc làm chính thức và thu nhập cao cho lực lượng lao động khổng lồ.
Ngành CNTT đã chứng kiến sự bùng nổ trong đại dịch COVID-19 khi các khách hàng đẩy mạnh đầu tư vào dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, làn sóng tuyển dụng ồ ạt trong giai đoạn đó khiến các công ty công nghệ Ấn Độ đối mặt với áp lực lớn khi nhu cầu giảm sút do tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng khó khăn.
Với cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính của chính quyền Trump, ngành CNTT Ấn Độ, với doanh thu hàng năm 128 tỷ USD, đang nhìn thấy cơ hội phục hồi tại thị trường Mỹ. Các trung tâm gia công lớn trải dài từ Bengaluru đến Pune hy vọng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng khả quan sau thời gian chững lại.
“Trong quá khứ, ông Trump đã thể hiện sự am hiểu về kinh doanh”, Atul Soneja, Giám đốc điều hành của Tech Mahindra, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại Bengaluru. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận thấy những lợi ích rõ ràng”.
Mặc dù ghi nhận doanh thu tại Bắc Mỹ sụt giảm trong 5 quý liên tiếp, Tata Consultancy Services (TCS) – công ty CNTT hàng đầu Ấn Độ – dự báo triển vọng khả quan trong năm 2025. Theo CEO K. Krithivasan, việc ông Trump nhậm chức sẽ xóa bỏ những bất ổn và tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Quan điểm lạc quan này cũng được chia sẻ bởi nhiều lãnh đạo ngành công nghệ Ấn Độ. Tỷ phú Nandan Nilekani, Chủ tịch Infosys, nhận định chính quyền Trump sẽ “giải phóng thị trường”, thúc đẩy hoạt động mua bán sáp nhập. Trong khi đó, Chủ tịch Wipro Rishad Premji cho rằng các chính sách mới sẽ mang lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn đối tác toàn cầu.
HSBC dự báo ngành CNTT Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6% trong năm tài chính tới, cao hơn mức 3-4% của hai năm qua. “Các đợt cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy chi tiêu công nghệ”, Sid Pai, đồng sáng lập Siana Capital Management nhận định.
Làn sóng đầu tư mới đã bắt đầu xuất hiện khi các “ông lớn” công nghệ Mỹ đổ bộ vào Ấn Độ. Microsoft vừa công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD, trong khi Nvidia đã thiết lập quan hệ đối tác AI với nhiều tập đoàn hàng đầu tại đây từ tháng 10/2024.
Thách thức tiềm ẩn
Mặc dù ngành CNTT Ấn Độ kỳ vọng tăng trưởng dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, lập trường bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” (America First) của ông hứa hẹn mang lại nhiều thách thức.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Financial Times với hơn 220 nhà kinh tế, các chính sách thuế quan mạnh mẽ của ông Trump có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy lạm phát, và khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng sự phục hồi nhu cầu đối với các công ty dịch vụ CNTT phụ thuộc lớn vào hiệu suất kinh tế của Mỹ trong năm 2025, đặc biệt trong các trường hợp tỷ lệ lạm phát gia tăng hoặc chính sách tiền tệ đảo ngược.
Các nhà phân tích của HSBC nhấn mạnh rằng cắt giảm thuế của Trump vào năm 2017 không mang lại tác động rõ ràng đối với chi tiêu cho công nghệ. Ngành CNTT Ấn Độ trong nhiệm kỳ trước cũng chịu ảnh hưởng từ việc siết chặt hạn chế đối với thị thực H-1B – vốn là loại thị thực không định cư dành cho lao động nước ngoài tay nghề cao, chủ yếu được công dân Ấn Độ sử dụng.
Tuy nhiên, các công ty gia công phần mềm của Ấn Độ đã thích nghi bằng cách giảm phụ thuộc vào lao động sử dụng thị thực này. Theo Rakesh, chưa đến 1% nhân sự trong ngành hiện làm việc với thị thực H-1B tại Mỹ, khi các công ty chuyển sang tăng cường văn phòng địa phương phục vụ khách hàng.
Dưới góc nhìn rộng hơn, Ấn Độ – quốc gia đông dân nhất thế giới – được cho là có khả năng giảm thiểu rủi ro từ chính sách của Trump nhờ quan hệ tốt giữa Thủ tướng Narendra Modi và cựu Tổng thống Mỹ. Sự hợp tác chặt chẽ trong quá khứ giữa hai nhà lãnh đạo mang lại hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển, tạo lợi thế cho ngành CNTT.
“Mối quan hệ giữa ông Modi và ông Trump từng rất bền chặt, và chúng tôi tin rằng điều đó sẽ duy trì,” K. Soneja, Giám đốc điều hành Tech Mahindra, nhận định.
Bà Teresa John, Phó giám đốc nghiên cứu tại Nirmal Bang, cho biết Ấn Độ có khả năng “tương đối biệt lập” trước các chính sách kinh tế của ông Trump, nhờ thặng dư thương mại với Mỹ thấp hơn so với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc. “Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ được duy trì, và chúng tôi sẽ thấy tác động tích cực lan tỏa sang lĩnh vực CNTT của Ấn Độ,” bà khẳng định.
Theo Financial Times (FT)