Trong những năm gần đây, để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư, các khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước không ngừng được nâng cấp hạ tầng và mở rộng quỹ đất công nghiệp.
Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có 453 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 304 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.700ha.
Các khu công nghiệp và khu kinh tế đã trở thành trọng điểm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngày càng phổ biến, áp lực từ yêu cầu thị trường và đối tác quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải xanh hóa các khu công nghiệp để thu hút dòng vốn đầu tư xanh.
Hình ảnh một khu công nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: hailongjsc.vn |
>> Việt Nam có thể mở ra cơ hội đầu tư ‘chưa từng có’, trị giá 2.400 tỷ USD
Các khu công nghiệp sinh thái đang nổi lên như một tiêu chí quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những khu công nghiệp này không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, mà còn gắn liền với các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) được yêu cầu trong các chuỗi ngành hàng toàn cầu.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 31/12/2024, cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo quy định của Nghị định, để nhận được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như không có nợ thuế hoặc nợ ngân sách, dự án đầu tư trung tâm R&D phải thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên, có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm, công nghệ đột phá. Đồng thời, dự án cần có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng, với mức giải ngân ít nhất 1.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp quyết định đầu tư.
Những chính sách mới này là động lực thu hút các dự án FDI. Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
Theo báo cáo mới đây của ACBS về triển vọng ngành bất động sản công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Trong nửa đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI giải ngân đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%.
Đáng chú ý, Bắc Ninh đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nhờ dự án sản xuất linh kiện bán dẫn của Amkor với mức tăng vốn ấn tượng 1,07 tỷ USD.
Các dự án về sản xuất linh kiện điện tử cũng đang tăng mạnh mức đầu tư tại Việt Nam, điển hình như nhà máy sản xuất bảng mạch in của Đài Loan (Trung Quốc) tại Bắc Ninh, dự án đã hút thêm 383 triệu USD.
Dự án nhà máy sản xuất tế bào quang điện tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cũng vừa hút thêm 277 triệu USD của chủ đầu tư đến từ Hồng Kông (Trung Quốc).
Các dự án FDI lớn trong nửa đầu năm 2024. Nguồn: ACBS |
Giá thuê đất và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục tăng trưởng: Tính đến quý II/2024, giá thuê đất khu vực phía Bắc đạt 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong khi khu vực phía Nam đạt 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 1%. Dự báo giai đoạn 2024-2026, giá thuê đất sẽ duy trì đà tăng trưởng, dao động từ 3-7% mỗi năm. Về tỷ lệ lấp đầy, khu vực phía Bắc đạt khoảng 83%, tăng nhẹ 0,4%, còn khu vực phía Nam ghi nhận mức tăng đáng kể, đạt 92%, tăng 6,5%.
Giá thuê nhà kho và nhà xưởng biến động nhẹ: Trong quý II/2024, giá thuê nhà xưởng ở miền Bắc tăng 1,9% so với cùng kỳ, đạt gần 4,9 USD/m2/tháng, trong khi ở miền Nam tăng 1%. Ngược lại, giá thuê nhà kho có sự trái chiều khi giảm 1% ở miền Bắc nhưng tăng 2% ở miền Nam, dao động từ 4,5-4,6 USD/m2/tháng. Dự kiến, trong giai đoạn 2024-2026, giá thuê nhà kho và nhà xưởng sẽ tăng nhẹ ở mức 0-3,5% mỗi năm.
>> Thu về hơn 24.300 tỷ đồng từ 10 dự án, thành phố đáng sống nhất Việt Nam tiếp tục bứt phá