Chỉ số đại diện sàn HoSE đi trên tham chiếu cả ngày. Buổi sáng tuy mở cửa trong sắc xanh, các lệnh mua không xuất hiện quá dày đặc khiến chứng khoán chỉ tăng nhẹ 2-3 điểm. Gần sát nghỉ trưa, thị trường mới bật lên nhờ lực kéo từ rổ VN30.
Đầu giờ chiều, chỉ số chung đạt mức cao hơn 8 điểm so với tham chiếu nhưng sau đó phải hạ độ cao khi áp lực bán dần xuất hiện. Nhờ phiên ATC hỗ trợ tốt, VN-Index đóng cửa trên 1.236 điểm, tích lũy hơn 7 điểm so với hôm qua.
Toàn sàn HoSE có 287 cổ phiếu tăng giá, hơn gấp đôi so với 127 cổ phiếu giảm. Trong đó có 9 mã tím trần, nổi bật có FCN, HT1, CTI hay HVH. Tuy nhiên những mã bluechip vẫn là nhóm đóng góp tích cực nhất cho thị trường, lần lượt là MSN, HPG, HVN…
Nếu xét theo ngành, dịch vụ tài chính có diễn biến nổi bật khi sắc xanh phủ gần kín bảng điện. Trong đó, các cổ phiếu như HCM, VIX, ORS, VND, MBS, FTS, VDS đều tăng khoảng 1,2-2,3%.
Nhóm chứng khoán vốn có độ nhạy cảm cao với thị trường. Những phiên gần đây, các mã này giằng co liên tục cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng được trấn an khi nhiều công ty chứng khoán khuyên hạn chế bán ra vào lúc VN-Index điều chỉnh về vùng giá 1.200-1.220 điểm.
Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đây là vùng giá hỗ trợ mạnh tương ứng khu vực cao nhất năm 2018, cạnh dưới kênh giá tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay, cũng như kênh giá tăng trưởng trung – dài hạn nối các vùng giá thấp nhất từ tháng 11/2022 đến nay. “Nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn, có thể dần xem xét tích lũy”, nhóm phân tích SHS đưa ra nhận định sau phiên hôm qua.
Hôm nay, thanh khoản có sự cải thiện khi đóng cửa gần 10.400 tỷ đồng, tích lũy thêm gần 1.900 tỷ. Trong khi dòng tiền tham gia vào buổi sáng vẫn èo uột, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch nhiều hơn trong phiên chiều. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp, cho thấy xu hướng đứng ngoài thị trường vẫn chiếm ưu thế.
Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài đà xả hàng lên phiên thứ 7 liên tiếp. Hôm nay họ bán ròng khoảng 405 tỷ đồng. FPT tiếp tục bị rút vốn mạnh nhất, theo sau còn có STB khi cả hai đều ghi nhận giá trị bán ròng của khối ngoại trên trăm tỷ.
Tất Đạt