Những thách thức đang đe doạ sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức đe dọa tính bền vững dài hạn, bao gồm:
Thứ nhất là tăng trưởng giảm sút. Tăng trưởng kinh tế giảm sút đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Khi nhu cầu thị trường dần chững lại và cạnh tranh ngày càng gia tăng, các công ty gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ phát triển như trước đây.
Một số yếu tố chủ yếu dẫn đến tình trạng này bao gồm: Thay đổi trong hành vi và nhu cầu của khách hàng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới để bắt kịp kỳ vọng; Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp linh hoạt hơn trong việc áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; Sự gián đoạn từ tiến bộ công nghệ, khiến các sản phẩm và dịch vụ truyền thống nhanh chóng lỗi thời.Để đối phó, doanh nghiệp cần đổi mới mô hình kinh doanh, tái định vị giá trị cốt lõi và tìm kiếm các cơ hội mới trong hệ sinh thái kinh doanh. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể đảm bảo khả năng tồn tại và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Hai là áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Những mối đe dọa thương mại mới đang tạo ra thách thức đối với cả các doanh nghiệp lâu năm lẫn các công ty mới nổi. Các doanh nghiệp ngày nay tận dụng năng lực R&D tiên tiến để nhanh chóng tung ra các sản phẩm và dịch vụ mang tính đột phá. Đồng thời, cạnh tranh đang ngày càng vượt ra khỏi ranh giới ngành truyền thống, khiến các doanh nghiệp khó dự đoán được đối thủ thực sự của mình.
Ví dụ, các chuỗi bán lẻ lớn đang sử dụng các nền tảng phần mềm hiện đại để tối ưu hóa hoạt động, trong khi các công ty công nghệ lại lấn sân sang lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Điều này có nghĩa là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp có thể bất ngờ xuất hiện từ một ngành hoàn toàn khác, với một giải pháp đầy sức hấp dẫn và đột phá.
Để đối phó, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực đổi mới mạnh mẽ hơn, mở rộng góc nhìn chiến lược và sẵn sàng thích nghi với các động thái không lường trước từ các ngành nghề khác.
Ba là, nhu cầu khách hàng thay đổi nhanh chóng. Sự phong phú, đa dạng về lựa chọn cho phép người tiêu dùng trở nên khó tính hơn. Họ kỳ vọng những trải nghiệm phải liền mạch, tùy chỉnh, bảo mật, riêng tư và bền vững. Nhận thức ngày càng cao của khách hàng đã dẫn đến sự thay đổi hành vi, khi họ nắm bắt các xu hướng mới và sử dụng cả sức mua lẫn tiếng nói của mình để đưa ra các quyết định sáng suốt. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần cung cấp những trải nghiệm vượt trội, đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng. Việc kết hợp sự sáng tạo, tính cá nhân hóa và trách nhiệm xã hội vào sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ là yếu tố then chốt giúp xây dựng lòng trung thành và niềm tin của khách hàng.
Bốn là, tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, như trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), Internet vạn vật (IoT) và bảo mật thông tin nâng cao, đã trao quyền cho người tiêu dùng tiếp cận các giải pháp tích hợp mang lại khả năng tùy chỉnh, bảo mật và dịch vụ ở mức cao hơn.
Theo khảo sát của PwC, có 51% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch đầu tư vào các công nghệ mới trong vòng 12 đến 18 tháng tới, với hơn một nửa trong số đó (51%) tập trung đầu tư vào GenAI. Các doanh nghiệp không sẵn sàng hoặc không có khả năng áp dụng những tiến bộ này có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ thay đổi đang thúc đẩy thị trường phát triển. Đầu tư vào công nghệ mới không chỉ là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn là điều kiện cần để duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững trong một thế giới kinh doanh ngày càng dựa vào công nghệ.
Và năm là sự bất ổn của thế giới đa cực. Những tác động phức tạp từ biến động kinh tế, chính trị cũng như các quy định đã tạo ra những rào cản mới trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời khiến việc quản lý trở nên khó khăn và tốn kém hơn.Các doanh nghiệp cần chủ động đối phó với sự đa cực này bằng cách điều chỉnh chiến lược, bảo vệ hoạt động kinh doanh và giảm thiểu tác động từ sự bất ổn và các quy định thay đổi. Điều này bao gồm việc xây dựng các hệ thống vận hành linh hoạt, tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý và phát triển năng lực ứng phó với các rủi ro tiềm tàng.
Cơ hội từ Hệ sinh thái
Trước những thách thức tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách họ tạo dựng, cung cấp và thu nhận giá trị, đó chính là hệ sinh thái.
Hệ sinh thái, hiểu đơn giản đó là mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức nhằm cùng nhau tạo ra và chia sẻ giá trị. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cung cấp các dịch vụ vượt trội hơn.
PwC đã phân tích các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông. Kết quả cho thấy, các công ty áp dụng mô hình hệ sinh thái đạt tỷ suất lợi nhuận 50-60%, so với mức 30-35% của các công ty truyền thống tập trung vào sản phẩm. Điều này minh chứng rằng tham gia vào hệ sinh thái không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả tài chính.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư dài hạn, chấp nhận rủi ro và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong hệ sinh thái.
Giá trị từ Hệ sinh thái kinh doanh
Hệ sinh thái kinh doanh mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với các mô hình hợp tác truyền thống. Không chỉ đơn thuần là giao dịch, hệ sinh thái đòi hỏi mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao hơn, tạo ra sức mạnh cộng hưởng giữa các thành viên tham gia.
Những lợi ích từ hệ sinh thái bao gồm:
Thứ nhất là mở rộng nguồn doanh thu mới. Các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái có thể sáng tạo hơn trong việc xác định sản phẩm và cách thức phân phối. Những quan hệ đối tác được hình thành trong mạng lưới này giúp doanh nghiệp mở rộng sang các lĩnh vực mới bằng cách hướng đến các phân khúc khách hàng mới, xâm nhập vào những khu vực địa lý chưa được khai thác và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ mới.Hệ sinh thái cũng mở ra các nguồn doanh thu mới, chẳng hạn như khai thác dữ liệu và thông tin giao dịch; bán sản phẩm bổ trợ, bán chéo…
Hai là, thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái kinh doanh có thể tạo ra các hiệu ứng cộng hưởng (synergies) giúp giảm bớt gánh nặng khi đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường. Việc chia sẻ chung tệp khách hàng, nguồn lực và cơ sở hạ tầng giúp giảm thiểu các rào cản và chi phí đầu tư thường thấy trong quá trình tăng trưởng.
Thứ ba, giúp tăng sự gắn kết và trung thành từ khách hàng. Theo thời gian, các hệ sinh thái kinh doanh có thể tạo ra hiệu ứng “khóa chặt” (lock-in) nhờ vào việc cung cấp các giải pháp tích hợp và liền mạch. Bằng cách đáp ứng đa dạng các nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng lòng trung thành sâu sắc từ khách hàng nhờ tính nhất quán và gắn kết trong các dịch vụ và sản phẩm của mình.
Ví dụ, khách hàng của một nền tảng mua sắm theo mô hình đăng ký phổ biến có thể nhận thêm ưu đãi giảm giá khi sử dụng dịch vụ dược phẩm. Tương tự, các đối tác và bên liên quan khác trong hệ sinh thái cũng có động lực để tiếp tục ở lại mạng lưới, nhằm giữ chân khách hàng đã tham gia vào nền tảng và sử dụng sản phẩm.
Bốn là, nâng cao khả năng thích nghi và linh hoạt. Bằng cách xây dựng một hệ sinh thái đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và đối tác, các doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh chóng trước những biến động bất ngờ trên thị trường. Tính chất hợp tác của mạng lưới cho phép các tổ chức khai thác hiệu quả các nguồn lực, kiến thức và năng lực đa dạng, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Xác định vai trò trong Hệ sinh thái
PwC đã xác định hai vai trò chính trong hệ sinh thái: người điều phối (orchestrator)và người tham gia (participant). Mỗi vai trò yêu cầu các kỹ năng và năng lực cốt lõi khác nhau để tận dụng tối đa giá trị từ hệ sinh thái.
Người điều phối (Orchestrator)là nhân tố đóng vai trò trọng tâm trong việc xây dựng, quản lý và duy trì nền tảng của hệ sinh thái. Người điều phối chịu trách nhiệm phát triển nền tảng, quản lý các thành viên tham gia và đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả.
Yếu tố thành công của người điều phối bao gồm:
(1) Nền tảng mạnh mẽ làm cơ sở cho hệ sinh thái: Nền tảng này kết nối các bên tham gia trong hệ sinh thái (người bán) với người tiêu dùng cuối (người mua), tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các loại sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Ngoài việc hỗ trợ giao dịch, nền tảng còn đóng vai trò là một kết nối mạnh mẽ, liên kết các mạng lưới người tiêu dùng với sản phẩm, đồng thời tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút khách hàng mới và mở rộng hoạt động theo tiềm năng tăng trưởng. Việc kết nối này vượt ra ngoài mô hình đổi mới khép kín và phát triển một nền tảng cho phép cả nhà phát triển và người dùng cùng xây dựng và phát triển. Để làm được điều này, nền tảng cần có khả năng tích hợp tinh vi với các bên thứ ba và khả năng thiết lập các dòng doanh thu đa chiều.
(2) Lòng trung thành cao từ khách hàng và đối tác. Người điều phối hệ sinh thái cần có một tệp khách hàng trung thành, tin tưởng vào khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của công ty. Điều này mang lại cho người điều phối sức mạnh thương lượng và ảnh hưởng đáng kể trong hệ sinh thái, vì tệp khách hàng của họ đại diện cho cơ hội lớn để các đối tác khác trong mạng lưới phát triển doanh nghiệp của mình).
(3) Đội ngũ nhân sự chuyên biệt để thúc đẩy sự phát triển. Việc điều phối hệ sinh thái đòi hỏi một sự kết hợp của nhiều năng lực, từ phát triển và bảo trì nền tảng, tuân thủ quy định, bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu, cho đến việc tạo doanh thu và các yếu tố khác.
(4) Khả năng quản lý đối tác phức tạp.Một trong những trách nhiệm lớn nhất của người điều phối hệ sinh thái là quản lý mạng lưới các đối tác tham gia đóng góp vào hệ sinh thái. Để thực hiện điều này, người điều phối cần có khả năng thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác trong mạng lưới đa dạng, có đủ nguồn lực để quản lý các mối quan hệ đối tác hàng ngày và khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ doanh thu phức tạp giữa các thành viên trong hệ sinh thái.
(5) Cam kết đầu tư dài hạn vào đổi mới. Nghiên cứu của PwCcho thấy các nhà lãnh đạo hệ sinh thái đang đầu tư gần gấp đôi so với các công ty truyền thống theo mô hình sản phẩm vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để duy trì động lực đổi mới sáng tạo. Những quyết định đầu tư trong ngắn hạn vào tương lai của các sản phẩm/dịch vụ có thể mang lại lợi nhuận vượt trội, tạo ra hiệu ứng vòng quay đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp tiến nhanh hơn so với các đối thủ.
Người tham gia (Participant) trong khi đó tận dụng giá trị từ hệ sinh thái bằng cách tích hợp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình vào nền tảng sẵn có. Họ đóng góp giá trị đồng thời nhận được lợi ích từ mạng lưới khách hàng, công nghệ và đối tác mà trước đây họ khó tiếp cận.
Yếu tố thành công của người tham gia gồm: Kỹ năng và công nghệ vượt trội để phát triển sản phẩm khác biệt; Đề xuất giá trị độc đáo; Khách hàng tiềm năng, mở rộng mạng lưới hệ sinh thái;Mô hình kinh doanh linh hoạt
Tạm kết: Mô hình Hệ sinh thái sẽ định hướng tương lai
Hệ sinh thái kinh doanh đang trở thành trụ cột trong thương mại hiện đại, thay đổi cách doanh nghiệp tìm kiếm tăng trưởng và củng cố vị thế của mình. Tham gia hệ sinh thái đòi hỏi lập kế hoạch cẩn thận, đầu tư vào năng lực đặc thù và sẵn sàng thay đổi. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khám phá các lĩnh vực tăng trưởng mới, tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện tại mà còn đặt nền tảng cho sự bền vững và thành công lâu dài trong một thế giới ngày càng kết nối.
Nguồn tham khảo: PwC