spot_img
16 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpShark Bình cảnh báo về "cái chết" của nền kinh tế trung...

Shark Bình cảnh báo về "cái chết" của nền kinh tế trung gian: Không còn cơ hội cho những người "mua rẻ bán đắt, lấy của miền xuôi nuôi miền ngược"

Theo Chủ tịch NextTech, khái niệm thương mại tồn tại hàng nghìn năm qua đã thay đổi mãi mãi, từ "mua rẻ bán đắt" thành "từ gốc đến ngọn". Sự thay đổi này đã "giết chết" rất nhiều doanh nghiệp.
Shark Bình cảnh báo về "cái chết" của nền kinh tế trung gian: Không còn cơ hội cho những người "mua rẻ bán đắt, lấy của miền xuôi nuôi miền ngược"- Ảnh 1.

Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech.

Sáng 15/1, Diễn đàn Shark Tank Forum 2025 với chủ đề “Tăng trưởng bền vững – đón sóng đầu tư trong kỷ nguyên xanh” do TVHub, Nhà sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam và VTV Digital thực hiện, đã diễn ra tại TP.HCM.

Trong phiên tọa đàm “Đón làn sóng lớn”, Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech đã chỉ ra các xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2025 và sẽ kéo dài nhiều năm về sau. Trước hết, ông cho rằng trong giai đoạn bản lề này, khái niệm thương mại tồn tại hàng nghìn năm qua đã thay đổi mãi mãi.

Không còn là “mua rẻ bán đắt” như quan niệm của các cụ ngày xưa, mà giờ là khái niệm “từ gốc đến ngọn”. Riêng sự thay đổi đó thôi đã giết chết rất nhiều doanh nghiệp – những doanh nghiệp truyền thống nhập hàng Trung Quốc về bán, hay các cửa hàng nhỏ lẻ trên mặt phố nhập hàng từ chợ đầu mối ”, Shark Bình phát biểu.

Giải thích cụ thể hơn, Chủ tịch NextTech cho biết các sàn TMĐT lớn hiện nay đều thuộc về những doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Họ đẩy mạnh bán trực tiếp từ nhà máy, xưởng sản xuất hoặc các thương nhân gốc đến tận tay người tiêu dùng (D2C).

Giá cả “rẻ không tưởng, có thể bằng 1/5 hoặc 1/10 so với mua từ các thương nhân Việt Nam”. Không những vậy, thời gian giao hàng cực kỳ nhanh, thậm chí nhanh hơn cả giao trong nội địa Việt Nam.

Xu hướng tiếp theo là các sàn TMĐT đang siết chặt những chính sách gây bất lợi với người bán. Tại Trung Quốc hiện nay áp dụng những chính sách đổi trả hàng không cần lý do, thậm chí trả lại tiền cho người mua mà không phải trả lại hàng. Những chính sách này rất khắc nghiệt với cộng đồng người bán, khiến tổng chi phí hoạt động bán hàng TMĐT có thể lên đến 40-45%, làm sao sống được.

Đứng trước tình trạng đó, có câu “phàm thế sự trong thiên hạ, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”, mọi người bắt đầu có xu hướng tách sàn, không phụ thuộc vào nền tảng nữa. Bây giờ, người bán trên các sàn không được gì ngoài việc bán hàng và phải trả phí, thông tin khách hàng thì không được nắm ”, Shark Bình nêu hiện trạng.

Shark Bình cảnh báo về "cái chết" của nền kinh tế trung gian: Không còn cơ hội cho những người "mua rẻ bán đắt, lấy của miền xuôi nuôi miền ngược"- Ảnh 2.

Phiên tọa đàm “Đón làn sóng lớn” tại Shark Tank Forum 2025.

Để tồn tại trước những “cơn sóng thần” này, Shark Bình nhấn mạnh mọi người phải nhận thức được “cái chết của nền kinh tế trung gian”.

Tức là những người mua rẻ bán đắt, nhập chỗ nọ bán chỗ kia, lấy của miền xuôi nuôi miền ngược chắc chắn không còn cơ hội nữa. Doanh nghiệp bây giờ bắt buộc phải có hàm lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) mang hồn Việt trong đó mới có thể tiếp tục bám trụ lại thị trường ”, ông nhìn nhận.

Chủ tịch NextTech sau đó đề cập đến bộ phim “Upstream” của Trung Quốc, nói về một người đàn ông gặp khủng hoảng tuổi trung niên, bị đào thải và trở thành người giao hàng TMĐT. Bộ phim cho thấy ngành TMĐT tại Trung Quốc khắc nghiệt đến mức nào.

Giao hàng chậm 1 – 2 phút thôi có thể bị đánh giá xấu. Hiện nay các sàn cũng yêu cầu người bán giao trong 2 ngày. Nếu không, khách có quyền không nhận hàng, hoàn trả, đánh giá xấu. 3 gậy là xuống sàn. Như vậy, chúng ta phải chuyên nghiệp hóa quy trình vận hành, trong đó khâu quan trọng nhất là logistics ”, ông cho biết.

Cuối cùng, trong bối cảnh kinh doanh trên các sàn TMĐT quá khắc nghiệt, Shark Bình chỉ ra rằng doanh nghiệp phải sử dụng chiến lược PDT (Private Domain Traffic), tức là tìm cách xây dựng các kênh bán hàng sao cho lưu lượng truy cập của người mua phải thuộc sở hữu thực sự của người bán, không phụ thuộc vào nền tảng.

Ví dụ, chúng ta đã phụ thuộc vào bán hàng trên Facebook thì đời đời phải chạy quảng cáo. Hoặc như trên sàn cũng vậy, còn bơm tiền quảng cáo thì còn có đơn, ngừng là mất đơn. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng kênh bán hàng của riêng mình ”, ông kết luận.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật