spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếQuốc gia châu Âu xây hệ thống 60km hầm lưu trữ hạt...

Quốc gia châu Âu xây hệ thống 60km hầm lưu trữ hạt nhân, vùi sâu 12.000 tấn chất thải phóng xạ trong lớp đá 1,9 tỷ năm tuổi

Đây là quốc gia thứ 2 trên thế giới làm được điều này.

Vào ngày thứ Tư, Thụy Điển đã bắt đầu xây dựng cơ sở lưu trữ cuối cùng cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm được điều này. Tại đây, chất thải phóng xạ cao sẽ được lưu giữ an toàn trong 100.000 năm.

z6233503647413_a838227b7262941f2d15d79d0e907d1f.jpg
Thụy Điển có kế hoạch xây dựng thêm 10 lò phản ứng mới vào năm 2045

Việc lưu trữ chất thải phóng xạ chết người cho đến khi nó trở nên an toàn là một câu hỏi hóc búa mà ngành công nghiệp hạt nhân phải đối mặt kể từ khi các lò phản ứng thương mại bắt đầu hoạt động vào những năm 1950.

Hiện tại, Phần Lan là quốc gia duy nhất gần hoàn thành một cơ sở lưu trữ vĩnh viễn.

“Bắt đầu xây dựng kho lưu trữ cuối cùng là một sự kiện quan trọng đối với Thụy Điển và đối với quá trình chuyển đổi khí hậu”, Bộ trưởng Môi trường Romina Pourmokhtari nói. “Họ đã nói rằng nó sẽ không thành công, nhưng nó đã thành công”.

Theo ước tính của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hiện có khoảng 300.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trên toàn cầu cần xử lý, phần lớn đang được lưu trữ tạm thời trong các ao làm mát gần các lò phản ứng.

Bên cạnh lượng nhiên liệu đã qua sử dụng hiện có, nhiều quốc gia ở châu Âu và trên thế giới đang lên kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới nhằm cung cấp điện cho quá trình chuyển đổi năng lượng, thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Kho lưu trữ Forsmark, nằm cách Stockholm 150km về phía Bắc, sẽ bao gồm hệ thống đường hầm trải dài 60km được đào sâu 500m trong lớp đá gốc 1,9 tỷ năm tuổi. Cơ sở này sẽ lưu trữ 12.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, đóng trong các viên nang đồng dài 5 mét có khả năng chống ăn mòn, bọc bằng đất sét và chôn dưới lòng đất.

z6233503647269_01e812f158dbbe07487fdb02743e68d2.jpg
Hình ảnh minh họa cho thấy kho lưu trữ cuối cùng ở Forsmark bao gồm 500 đường hầm ở độ sâu 500 mét trong nền đá

Theo Công ty Quản lý Nhiên liệu và Chất thải Hạt nhân Thụy Điển (SKB), cơ sở sẽ bắt đầu tiếp nhận chất thải vào cuối những năm 2030 nhưng phải đến khoảng năm 2080 mới hoàn thiện và đóng lại các đường hầm.

Tuy nhiên, tiến trình này có thể bị trì hoãn. MKG, một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển chuyên về chất thải hạt nhân, đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án, yêu cầu kiểm tra an toàn thêm.

Tổ chức này cho biết nghiên cứu từ Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển cho thấy các viên nang đồng có thể bị ăn mòn và rò rỉ các nguyên tố phóng xạ vào nước ngầm. “Chúng ta vẫn có thể chờ thêm 10 năm để đưa ra quyết định, bởi điều này cần phải đảm bảo an toàn trong 100.000 năm”, Linda Birkedal, chủ tịch MKG, nhận định.

Với chi phí khoảng 12 tỷ kronor (1,08 tỷ USD) do ngành công nghiệp hạt nhân tài trợ, kho lưu trữ Forsmark được thiết kế để chứa toàn bộ chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân hiện tại của Thụy Điển, nhưng không bao gồm nhiên liệu từ 10 lò phản ứng mới dự kiến xây dựng đến năm 2045.

Theo Reuters

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật