spot_img
15.9 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpChân dung công ty Lô Hội vừa phải dừng hoạt động bán...

Chân dung công ty Lô Hội vừa phải dừng hoạt động bán hàng đa cấp: Từng bán cao hơn 100 lần giá gốc, có 116.000 nhà phân phối, 10 năm thu 1.800 tỷ đồng

Trong năm 2024, ca sĩ Đoàn Di Băng và chồng là doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ từng xuất hiện trong một sự kiện của công ty đa cấp Lô Hội với vai trò quản lý cấp cao.
Chân dung công ty Lô Hội vừa phải dừng hoạt động bán hàng đa cấp: Từng bán cao hơn 100 lần giá gốc, có 116.000 nhà phân phối, 10 năm thu 1.800 tỷ đồng- Ảnh 1.

Một sự kiện của công ty Lô Hội hồi năm 2023. Ảnh: FLP Việt Nam.

Ngày 8/1, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành về việc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội hết hiệu lực từ ngày 29/12/2024, nhưng sẽ không được gia hạn. Do đó, công ty này phải chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.

Trước đó vào tháng 6/2024, công ty Lô Hội cũng đưa ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại 19 địa phương, do tạm thời chưa đáp ứng được điều kiện cấp Xác nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung hoạt động bán hàng đa cấp.

Thu hơn 1.800 tỷ đồng trong 10 năm, mức hoa hồng “khủng”

Lô Hội là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đi theo mô hình kinh doanh đa cấp. Công ty được thành lập vào tháng 9/2001 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại quận 3, TP.HCM, do bà Trương Thị Nhi làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.

Năm 2009, bà Trương Thị Nhi tham gia đại hội thành lập Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch. Hiện nay bà vẫn giữ chức vụ này. Tuy nhiên, vị trí Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện của Lô Hội đã được chuyển sang cho bà Trương Võ Hoàng Ý từ tháng 11/2023. Tính đến lần cập nhật vốn điều lệ vào tháng 3/2023, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Theo thông tin trên website của Lô Hội, công ty là Nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm mang thương hiệu Forever Living Products của Mỹ tại Việt Nam. Công ty đang phân phối hơn 60 mặt hàng, bao gồm mỹ phẩm chăm sóc da, chăm sóc cá nhân, thực phẩm chức năng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc da và giảm cân.

Về tài chính, giai đoạn 2002-2011, doanh thu của Lô Hội đã tăng trưởng mạnh mẽ từ vài tỷ đồng lên hàng trăm tỷ đồng. Năm 2019, thông tin trên tạp chí Người đưa tin cho biết tổng doanh thu trong vòng 10 năm của công ty này đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tổng số thuế nộp Ngân sách Nhà nước đạt 370 tỷ đồng, tổng hoa hồng chi trả cho nhà phân phối và đại lý đạt hơn 700 tỷ đồng.

Chân dung công ty Lô Hội vừa phải dừng hoạt động bán hàng đa cấp: Từng bán cao hơn 100 lần giá gốc, có 116.000 nhà phân phối, 10 năm thu 1.800 tỷ đồng- Ảnh 2.

Về mức hoa hồng, theo “Nội dung chương trình đào tạo cơ bản 2019” của công ty Lô Hội, nhà phân phối mới đạt 2 chỉ tiêu cá nhân trong 2 tháng liên tục sẽ được lên cấp trợ lý giám sát, với mức hoa hồng cá nhân 7% trên giá trị sản phẩm.

Các cấp tiếp theo là giám sát, trợ lý quản lý và quản lý, mức hoa hồng lần lượt là 11%, 18% và 25%, chưa kể khoản tiền hoa hồng được thanh toán trên doanh số nhóm của mình. Tuy nhiên, Lô Hội cam kết tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác không vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm của công ty.

Hồi giữa năm 2024, cái tên Lô Hội gây chú ý trở lại sau khi xuất hiện một video lan truyền trên mạng cho thấy ca sĩ Đoàn Di Băng và chồng là doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ xuất hiện trong một sự kiện của công ty, với vai trò là quản lý cấp cao.

Trên website của Lô Hội, ông Vũ cũng được giới thiệu là quản lý cấp cao, gia nhập công ty từ tháng 5/2004 và đạt cấp quản lý sau 5 tháng.

Chân dung công ty Lô Hội vừa phải dừng hoạt động bán hàng đa cấp: Từng bán cao hơn 100 lần giá gốc, có 116.000 nhà phân phối, 10 năm thu 1.800 tỷ đồng- Ảnh 3.

Vợ chồng ca sĩ Đoàn Di Băng và doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ tại một sự kiện của công ty Lô Hội hồi năm 2016. Ảnh: FLP Việt Nam.

Bán sản phẩm giá cao hơn 100 lần so với giá gốc

Hồi năm 2006, công ty Lô Hội bị thanh tra và xử phạt vì bán hàng với giá cao hơn 100 lần giá gốc.

Cụ thể, viên bổ sung dinh dưỡng Forever Bee Pollen của Mỹ do Lô Hội nhập khẩu có giá vốn chỉ 3.271 đồng, nhưng bán buôn tại thị trường Việt Nam lên đến 244.000 đồng/viên và bán lẻ 348.000 đồng. Một mặt hàng khác là Sonya Mascara của Canada có giá vốn 14.834 đồng, nhưng giá bán sỉ lên đến 171.000 đồng và bán lẻ 244.000 đồng.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn chỉ ra nhiều sai phạm khác trong hoạt động kinh doanh của Lô Hội, chẳng hạn như nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng, lách luật, không đăng ký lao động, công tác chấp hành nghĩa vụ thuế không rõ ràng.

Tại thời điểm tháng 12/2006, Lô Hội có hơn 50.000 nhà phân phối tại TP.HCM, hơn 19.000 nhà phân phối tại Hà Nội và hơn 47.000 nhà phân phối ở khắp các tỉnh.

Tới tháng 7/2018, Lô Hội lại gây chú ý khi đứng đầu danh sách nợ thuế do Cục thuế TP.HCM công bố, với số nợ thuế lên tới hơn 105 tỷ đồng. Một năm sau, công ty tiếp tục bị nêu tên vì nợ đọng thuế tới hơn 100 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.

Vì vậy, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương.

Năm 2023, ngành này có hơn 768.000 người tham gia, với tổng doanh thu đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật