spot_img
21.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVIMC (MVN): Thủ tướng chấp thuận đầu tư siêu dự án cảng...

VIMC (MVN): Thủ tướng chấp thuận đầu tư siêu dự án cảng gần 5,5 tỷ USD, cổ phiếu phá đỉnh lịch sử

Sau khi đón nhận thông tin từ Chính phủ, cổ phiếu VIMC (MVN) đã bật tăng mạnh và vượt đỉnh lịch sử trong phiên 17/1, phản ánh sức nóng của siêu dự án cảng biển gần 5,5 tỷ USD.

Kết phiên 17/1, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC, tên cũ Vinalines) tăng mạnh 10,2% lên 74.300 đồng/cp, đánh dấu mức kỷ lục mới. Nhìn rộng hơn, thị giá của VIMC đã tăng 140% trong hơn 2 tháng trở lại đây, giúp vốn hóa đạt 88.340 tỷ đồng, gấp 4 lần so với 1 năm trước.

VIMC (MVN): Thủ tướng chấp thuận đầu tư siêu dự án cảng gần 5,5 tỷ USD, cổ phiếu phá đỉnh lịch sử
Cổ phiếu MVN phá đỉnh lịch sử trong phiên 17/1

Cổ phiếu logistics này có diễn biến khởi sắc thời gian gần đây trong bối cảnh doanh nghiệp đón nhận hàng loạt thông tin tích cực.

Kết quả kinh doanh khởi sắc, sắp đưa dự án mới vào khai thác

Về tình hình kinh doanh, năm 2024, VIMC đã duy trì đà tăng trưởng và đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong nhiều năm. Sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 145 triệu tấn, tương đương 126% so với cùng kỳ và 117% so với kế hoạch năm.

Kết quả này đã giúp doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng (doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 35% kế hoạch). Lợi nhuận của VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023 và vượt 28% kế hoạch.

Các dự án trọng điểm của VIMC cũng được đẩy mạnh và đạt tiến độ như kế hoạch. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang hoàn thành các gói thầu và chuẩn bị đưa vào khai thác trong quý I/2025.

Siêu dự án cảng biển được chấp thuận đầu tư

Ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thực hiện ở cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Dự án do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn (thuộc VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sử dụng khoảng 571ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tướng giao TP. HCM chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đấu thầu chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo quy định. Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

VIMC (MVN): Thủ tướng chấp thuận đầu tư siêu dự án cảng gần 5,5 tỷ USD, cổ phiếu phá đỉnh lịch sử
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: VnExpress)

Theo đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được TP. HCM trình Thủ tướng trước đó, công trình dài hơn 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 TEU). Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.

Tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước…

Cảng Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật