Ông lớn VIMC hiện quản lý đội tàu 48 chiếc, cao Top đầu Việt Nam |
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC, chia sẻ với Bloomberg rằng các mức thuế mới có thể gây thay đổi trong luồng hàng hóa, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội hưởng lợi. Theo ông, nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam vẫn rất lớn, mở ra tiềm năng lớn cho ngành logistics.
VIMC đặt mục tiêu mở rộng đội tàu thêm 20% mỗi năm trong 5 năm tới và nâng cấp cảng để đón các tàu lớn hơn, tăng số tuyến vận tải quốc tế. Hiện tại, VIMC quản lý đội tàu gồm 48 chiếc, trong đó có 7 tàu container.
Công ty dự kiến doanh thu đạt 3 tỷ USD vào năm 2035, tăng gấp hơn ba lần so với mục tiêu 800 triệu USD của năm 2025. VIMC cũng tìm kiếm đối tác chiến lược trong ngành hàng hải để hỗ trợ kế hoạch mở rộng và đã đệ trình đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ gần 100% xuống 65%.
Kết thúc năm 2024, VIMC đạt sản lượng vận tải biển gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đạt 145 triệu tấn, tương đương 126% so với cùng kỳ và 117% so với kế hoạch năm.
Doanh thu toàn công ty đạt 24.813 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023 và vượt 35% kế hoạch. Lợi nhuận của VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước và vượt 28% kế hoạch.
Dự án trọng điểm và tầm nhìn dài hạn
Các dự án chiến lược của VIMC đang được triển khai đúng tiến độ. Dự án đầu tư xây dựng bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) dự kiến khai thác trong quý I/2025. Đặc biệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại TP. HCM đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án này, do liên danh VIMC và Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên MSC) đầu tư, có tổng diện tích 571ha và kinh phí không dưới 50.000 tỷ đồng. Theo tính toán, cảng sẽ đạt công suất thiết kế vào năm 2045, mang lại nguồn thu hàng năm 34.000-40.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MVN ghi nhận phiên giao dịch 17/1 tăng mạnh hơn 11%, đạt kỷ lục 75.000 đồng/cp, cao hơn 140% so với 2 tháng trước. Vốn hóa thị trường của VIMC hiện đạt 88.340 tỷ đồng, gấp 4 lần so với một năm trước, phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp.