Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cuối tuần rồi đã đến thủ đô Washington và tham dự một số sự kiện trước thềm lễ nhậm chức ngày 20-1 (giờ địa phương). Dự báo thời tiết giá rét đã khiến ông Trump chuyển buổi lễ từ mặt phía Tây của tòa nhà Quốc hội vào khu Rotunda của tòa nhà. Song song đó, cuộc diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvania cũng sẽ chuyển đến sân vận động Capital One Arena.
Theo ông Trump, quyết định trên cho phép những người tham dự sự kiện và lực lượng an ninh tránh tiếp xúc với cái lạnh khắc nghiệt. Ngoài ra, theo giới truyền thông, bước đi như thế cũng làm giảm đáng kể rủi ro an ninh tiềm ẩn trong ngày quan trọng này.
Một số người ủng hộ ông Trump phỏng đoán lý do thực sự khiến lễ nhậm chức được chuyển vào trong nhà có thể liên quan mối đe dọa nào đó nhằm vào ông chứ không phải thời tiết cực đoan, nhất là sau khi xảy ra vụ ám sát hụt nhằm vào ông trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
An ninh cho lễ nhậm chức của ông Trump đã được tăng cường sau vụ tấn công khủng bố tại TP New Orleans hôm 1-1, khiến 14 người thiệt mạng và 35 người bị thương. Một nỗi lo khác đến từ những người không ủng hộ ông Trump.
Hôm 18-1, hàng ngàn người tập trung tại Washington để phản đối lễ nhậm chức. Chưa hết, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, công lý chủng tộc và một loạt vấn đề khác cũng biểu tình chống lại các chính sách mà họ cho rằng sẽ đe dọa quyền lợi hiến định của mình trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Dù vậy, các cuộc biểu tình này chủ yếu diễn ra trong hòa bình giữa lúc lực lượng an ninh túc trực dày đặc.
Có tổng cộng 40 cơ quan phụ trách giám sát và giải quyết mọi vấn đề phát sinh, với sự hiện diện rộng rãi của lực lượng thực thi pháp luật. Báo The Telegraph dẫn lời giới chức Mỹ cho biết gần 8.000 lính Vệ binh quốc gia và 25.000 cảnh sát, một đội máy bay không người lái, 2 văn phòng hiện trường của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã được triển khai để bảo vệ ông Trump và khách mời trước những mối đe dọa bạo lực tiềm ẩn.
Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ vận hành các trạm kiểm soát tại khu vực trước tòa nhà Quốc hội trong khi vùng cấm bay được thiết lập trên bầu trời Washington. Máy bay không người lái bao quát từ trên không trong khi robot cảnh sát kiểm tra các bưu kiện và khu vực nhằm phát hiện vật liệu nguy hiểm. Bên cạnh 48 km hàng rào cao 2,13 m được dựng lên quanh tòa nhà Quốc hội, các biện pháp phòng ngừa khác còn bao gồm rào chắn bê-tông và xe chở rác ngăn chặn hành động tiếp cận trái phép.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 20-1, ông Trump sẽ đọc diễn văn, dự kiến đề cập định hướng chính sách và hành động của mình trong suốt nhiệm kỳ. Trả lời phỏng vấn đài NBC News trước thềm buổi lễ, ông Trump tiết lộ chủ đề bài phát biểu sẽ là “đoàn kết, sức mạnh và công bằng”.
Khi trở lại Nhà Trắng vào chiều 20-1 (giờ địa phương), ông Trump dự kiến bắt đầu ký hàng chục sắc lệnh hành pháp và chỉ thị về một loạt vấn đề ưu tiên, trong đó có việc thắt chặt quản lý nhập cư, tăng cường sản xuất năng lượng…
Ai dự lễ nhậm chức?
Trong danh sách khách mời dự lễ nhậm chức của ông Donald Trump có 3 trong số những người giàu nhất thế giới, nhiều lãnh đạo và quan chức nước ngoài, giám đốc điều hành công nghệ và doanh nhân, một số cựu tổng thống Mỹ, nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng. Chưa rõ việc chuyển buổi lễ vào khu Rotunda sẽ ảnh hưởng thế nào, nếu có là chuyện sắp xếp chỗ ngồi. Khác với địa điểm ngoài trời, khu vực này chỉ có khoảng 600 chỗ ngồi.
Lãnh đạo, quan chức nhiều nước dự kiến sẽ tham dự buổi lễ. Trong đó, đáng chú ý là Tổng thống Argentina Javier Milei, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính… Bộ trưởng Ngoại giao của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản – 3 nước đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương – cũng đến dự. Trong danh sách khách mời là tỉ phú, doanh nhân và giám đốc điều hành công nghệ, những cái tên nổi bật nhất là các tỉ phú Elon Musk, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos; lãnh đạo các công ty Apple, Google, OpenAI, Uber…
Theo đài NBC News, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và các cựu tổng thống George W. Bush, Bill Clinton, Barack Obama sẽ dự buổi lễ. Trong khi hai cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush và Hillary Clinton đi cùng chồng, bà Michelle Obama sẽ không xuất hiện cùng ông Barack Obama. Ngoài ra, Tạp chí Time cho biết nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ “nói không” với buổi lễ, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Hoàng Phương