Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/1 đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 400 cá nhân và thực thể của ngành năng lượng Nga, trong đó có hai công ty dầu mỏ lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegas. 183 tàu chở dầu của Nga bị đưa vào danh sách đen.
Gói trừng phạt mới cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường tàu chở dầu lớn nhất của Nga, đồng thời yêu cầu các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2.
“Hôm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã có hành động toàn diện để thực hiện cam kết của G7 nhằm cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga, bao gồm cả việc chặn hai nhà sản xuất dầu lớn của Nga. Các hành động hôm nay cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số lượng tàu chở dầu chưa từng có, nhiều tàu trong số đó là một phần của ‘đội tàu ngầm’, các nhà giao dịch dầu mỏ không minh bạch của Nga, các nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu có trụ sở tại Nga và các quan chức năng lượng Nga”, thông cáo hôm 10/1 của Bộ Tài chính Mỹ viết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, “Mỹ đang có hành động toàn diện chống lại nguồn thu chính của Nga”.
“Hành động này dựa trên và củng cố trọng tâm của chúng tôi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến [Nga – Ukraine] là làm gián đoạn nguồn thu từ năng lượng của Điện Kremlin… Với các hành động ngày hôm nay, chúng tôi đang làm gia tăng rủi ro trừng phạt liên quan đến hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga, bao gồm vận chuyển và tạo điều kiện tài chính để hỗ trợ xuất khẩu dầu của Nga”, bà Yellen nói thêm.
Doanh thu dầu khí của Nga có thể sẽ tăng
Theo hãng thông tấn Sputnik (Nga), các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ dẫn đến việc giá dầu toàn cầu tăng đáng kể, và doanh thu từ dầu Nga có thể bù đắp cho sự sụt giảm về khối lượng sản xuất trong ngân sách của Nga.
Lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga xuất khẩu bằng đường biển đạt khoảng 5,8 triệu thùng/ngày, trong đó 3,5 triệu thùng là dầu thô.
Hiện tại, các cơ quan năng lượng toàn cầu và các ngân hàng quốc tế dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ thặng dư vào năm 2025, trung bình 0,8 triệu thùng/ngày.
Theo các ngân hàng lớn, dự báo chung về giá dầu thô Brent vào năm 2025 là khoảng 71 USD/thùng.
Sputnik nhận định, việc dừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển (tức là sản lượng dầu của Nga giảm theo con số đó) sẽ gây ra một trong những vụ thâm hụt lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường dầu mỏ toàn cầu (giả sử năng lực sản xuất dầu ở các quốc gia khác vẫn không thay đổi).
Theo tính toán của Ngân hàng Mỹ, dựa trên dữ liệu lịch sử, sự thay đổi trong cán cân cung – cầu 100.000 thùng/ngày sẽ dẫn đến sự biến động ngược lại của giá dầu là 1,50 – 2 USD/thùng.
Do đó, việc mất đi một lượng lớn dầu xuất khẩu của Nga (5,8 triệu thùng/ngày) trên thị trường toàn cầu sẽ dẫn đến việc giá dầu tăng từ mức 80 – 90 USD/thùng lên 150 – 160 USD/thùng.
Việc thị trường thế giới mất đi một lượng dầu Nga nhỏ hơn nhiều từng gây ra tác động tàn phá ngay lập tức. Ví dụ, vào năm 2022, khi xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ của Nga giảm 1,5 triệu thùng/ngày, giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng.
Theo tính toán, với giá dầu thô Brent là 158 USD/thùng, giá xuất khẩu dầu Nga bị đánh thuế sẽ nằm trong khoảng 147 – 156 USD/thùng (tùy thuộc vào mức chiết khấu đối với dầu Nga được cung cấp qua đường ống) so với mức khoảng 70 USD/thùng trong kế hoạch ngân sách năm 2025 của nước này.
Điều đó có nghĩa là trong điều kiện cấm vận hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu qua đường biển, doanh thu ngân sách nhà nước của Nga sẽ tăng lên mức 88,2 tỷ USD (so với 82,3 tỷ USD theo kế hoạch hiện tại), mặc dù sản lượng giảm và có nhiều chi phí liên quan khác.
Theo Sputnik, rất khó có khả năng Mỹ muốn chứng kiến một kịch bản như vậy, vì các nước Trung Đông hiện không có đủ năng lực dự phòng để thay thế lượng xuất khẩu bị mất đi của Nga và việc bù đắp năng lực này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và đầu tư đáng kể.
Hậu quả đối với kế hoạch năng lượng của ông Trump
Sputnik đưa tin, một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump là biến Mỹ thành siêu cường dầu mỏ và thống trị thị trường toàn cầu bằng cách xóa bỏ mọi rào cản đối với sản xuất, qua đó hạ giá dầu xuống còn 50 USD/thùng hoặc thấp hơn.
Kế hoạch này được nhận định rằng có thể đóng vai trò là đòn bẩy với Điện Kremlin trong các cuộc đàm phán về các điều khoản chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Đồng thời, kế hoạch năng lượng của ông Trump làm giá nhiên liệu bán lẻ thấp hơn cũng đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân Mỹ bình thường.
Chỉ 5 ngày trước khi công bố lệnh trừng phạt nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden cũng chính thức cấm khoan dầu và khí đốt dọc theo bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Trump gọi quyết định này là “vô lý” và tuyên bố sẽ “bãi bỏ lệnh cấm ngay lập tức” sau khi trở lại Phòng Bầu dục. Ông sẽ chính thức làm lễ nhậm chức Tổng thống vào trưa ngày 20/1 (theo giờ địa phương).