spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTổng thống Trump nhậm chức: Người kỳ vọng, kẻ lo ngại

Tổng thống Trump nhậm chức: Người kỳ vọng, kẻ lo ngại

Đánh giá về nước Mỹ 4 năm tới, bên cạnh không ít kỳ vọng đối với Chính quyền Tổng thống Trump vẫn còn nhiều người bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ một thời kỳ hỗn loạn sắp tới.

Trưa 20/1 (theo giờ Mỹ), tại tòa nhà Quốc hội, ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Trump khẳng định thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ bắt đầu từ thời điểm này đồng thời hé lộ tầm nhìn cho nước Mỹ và những định hướng chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Ngày 20/1, hàng nghìn người đã đổ về thủ đô Washington tham dự lễ nhậm chức tại tòa nhà Quốc hội, lễ diễu hành tại Trung tâm Arena Capital One hoặc tập trung ở bên ngoài các địa điểm này để ăn mừng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khác lặng lẽ tắt ti vi, đóng mạng xã hội và tập trung vào những công việc hàng ngày.

Tổng thống Trump nhậm chức: Người kỳ vọng, kẻ lo ngại- Ảnh 1.

Người Mỹ lạc quan và kỳ vọng nhiều hơn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Kỳ vọng đan xen lo ngại

Trong các cuộc thăm dò dư luận trực tiếp trên một số kênh truyền hình và báo chí của Mỹ, số lượng người bày tỏ kỳ vọng tích cực đối với nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump; khả năng thay đổi cơ bản đối với nước Mỹ; thay đổi cách thức điều hành đất nước hiệu quả hơn…có sự gia tăng đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên với khoảng 60-70% bình chọn. Tuy nhiên, về một số vấn đề cụ thể thì số người ủng hộ với phản đối dường như ngang bằng nhau, bao gồm các lĩnh vực như tin tưởng ông Trump sẽ đưa ra quyết định đúng đắn cho nước Mỹ; kế hoạch áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu; kế hoạch chấm dứt ưu tiên năng lượng sạch, quay lại với năng lượng truyền thống hay kể cả vấn đề phân biệt giới tính trong xã hội.

Trong một số lĩnh vực, ví dụ như giải quyết dứt điểm vấn nạn di cư bất hợp pháp hay ý định đòi lại kênh đào Panama, số người cho rằng khó có thể thực hiện còn cao hơn các ý kiến kỳ vọng thành công.

Đối với những người ủng hộ ông Trump, bài phát biểu nhậm chức thực sự là chiến thắng và là lời khẳng định sự đúng đắn của chương trình nghị sự đã được ông khởi xướng từ 8 năm trước. Với nhiệm kỳ 2, ông Trump đã có sự chuẩn bị tích cực và toàn diện hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Nước Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn, không thể tiếp tục dựa dẫm vào các quốc gia khác, cần phải sử dụng con người và nhân lực của chính mình để phát triển và vững mạnh.

Tuy nhiên, đối với khoảng 75 triệu người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho bà Harris thì sự trở lại của ông Trump là một sự kiện đáng buồn. Nội dung của bài diễn văn được xem là tương tự như diễn văn nhậm chức lần đầu tiên năm 2017 không những không nêu lên ý định hàn gắn sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ mà chỉ nhấn mạnh đến thắng lợi của cá nhân, thắng lợi của những người ủng hộ ông. Điểm đáng lưu ý ở đây là số lượng các ý kiến khẳng định hoặc ủng hộ mạnh mẽ không nhiều, chủ yếu vẫn là phần nào hy vọng, hoặc phần nào lạc quan hay nói cách khác, là cần thêm thời gian để chứng mình các hành động của ông Trump có hiệu quả thực sự hay không.

Thách thức với ông Trump đang ở phía trước

Trong bài phát biểu nhậm chức và ngày đầu tiên nắm quyền, ông Trump đã công bố ý định thành lập một số cơ quan mới, ví dụ như Cơ quan thuế vụ nước ngoài, Cơ quan hiệu quả chính phủ, ký khoảng 200 sắc lệnh hành pháp và bản ghi nhớ nhằm hủy bỏ các sắc lệnh của cựu Tổng thống Biden và thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Hầu hết các sắc lệnh này tập trung vào nhập cư, năng lượng, quân sự, các sáng kiến đa đạng.

Trong đó, đáng lưu ý là khả năng ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam”, ngăn chặn nhập cư và trục xuất “những người nhập cư phạm tội”. Mặc dù đưa ra các tuyên bố hết sức mạnh mẽ, nhưng việc thực hiện sớm và hiệu quả đối với Chính quyền của ông Trump không phải là điều dễ dàng.

Việc ký hàng loạt sắc lệnh liên quan đến nhập cư trước mắt có thể gây ra tình trạng hỗn loạn hoặc ngưng trệ trong tiến trình thủ tục nhập cư trước khi mọi việc đi vào ổn định để có thể đảm bảo nhập cư hợp pháp. Ý định của ông Trump thành lập các cơ quan mới cũng có thể vướng phải các trở ngại pháp lý nghiêm trọng. Việc thành lập Cơ quan thuế vụ nước ngoài để thu thuế nhập khẩu có thể xung đột với Đạo luật năm 1789, xác định cơ quan chịu trách nhiệm là hải quan Mỹ.

Cũng ngay trong ngày 20/1, ít nhất đã có 3 đơn kiện được gửi lên Tòa án Mỹ, cáo buộc việc thành lập Cơ quan hiệu quả chính phủ là vi phạm Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang. Việc giải quyết các mâu thuẫn pháp lý có thể kéo dài, khiến hiệu quả của các biện pháp này giảm mạnh. Nếu các chính sách mới không thể hiện sự hiệu quả, các cam kết không được thực hiện thì Chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn, sớm nhất sẽ là bầu cử giữa kỳ vào năm tới.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật