Năm ngoái, một cậu bé ở Trung Quốc lên cơn đau tim. Trong tình thế cấp bách, ông David Wei đã cõng cháu mình đi bộ 3 km trên con đường gồ ghề của vùng nông thôn để cầu cứu bác sĩ. Trong khi đó, xe cứu thương mất 90 phút để ra khỏi thành phố đến cứu cháu bé.
“Nếu chúng tôi sống ở thành phố, cháu tôi có thể có cơ hội”, ông Wei, 60 tuổi, ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Reuters tại ngôi nhà của ông ở vùng núi huyện Duan Yao, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.
Câu chuyện về cháu trai ông Wei đã cho thấy những bất cập trong dịch vụ chăm sóc y tế ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đây có thể sẽ trở thành nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới đối với Trung Quốc, vì các cộng đồng nông thôn có khoảng 120 triệu người trên 60 tuổi và đang tiếp tục già hoá.
Các chuyên gia về sức khỏe và dân số cho biết mô hình phát triển của Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường. Trung Quốc sẽ phải lựa chọn chi tiêu nhiều hơn cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe hoặc đầu tư cho công nghiệp và đô thị hóa – thứ mà Bắc Kinh coi là chìa khoá để thúc đẩy tăng trưởng.
Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ giải quyết cả hai vấn đề cùng lúc. Tuy nhiên, một cố vấn chính phủ nói với Reuters rằng việc chi một khoản lớn cho chăm sóc sức khoẻ nông thôn “không phải là động thái tốt” vào thời điểm hiện tại.
Những người phê phán cho rằng việc Trung Quốc lựa chọn đầu tư vào đô thị và công nghiệp thay vì các chương trình phúc lợi cho nhóm dân số nông thôn thu nhập thấp sẽ gây rủi ro tăng trưởng dài hạn.
Điều này có thể khiến tình trạng dư thừa công suất tại các nhà máy thêm nghiêm trọng, làm suy yếu sức mua và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Người dân sẽ đổ xô đến các thành phố, quay cuồng trong công việc bận rộn và sống trong những căn hộ nhỏ đắt tiền. Đây là những lý do khiến họ càng không muốn sinh con hoặc có xu hướng sinh ít con hơn.
Phó Giáo sư Sasha Han tại Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc cho biết nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân nông thôn không được giải quyết sẽ làm tăng nguy cơ đói nghèo và giảm tuổi thọ cộng đồng. Họ sẽ cảm thấy đang bị bỏ lại phía sau.
Chắc chắn, trong bốn thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc sức khỏe nông thôn. Nhưng dù có trang bị về cơ sở vật chất, khu vực nông thôn vẫn thiếu yếu tố quan trọng nhất là các y bác sĩ.
Theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia, trong 10 năm qua, số lượng bác sĩ thành thị đã tăng gần gấp đôi lên 4,1 triệu bác sĩ. Trong khi đó, số lượng bác sĩ nông thôn giảm 42% xuống còn 622.000 bác sĩ, nhanh gấp đôi tốc độ suy giảm dân số nông thôn.
Một bác sĩ ở Vĩnh Xuyên, khu vực nông thôn của Trung Khánh, cho biết bệnh viện của ông có nhiều chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại, bao gồm cả phòng xét nghiệm riêng. Nhưng đội ngũ nhân viên y tế chỉ gồm 120 – 130 người, gần như không thể đáp ứng được nhu cầu của 60.000 người. Vị bác sĩ cho biết: “Đôi khi tôi không có thời gian để uống nước”.
Giáo sư y khoa Shenglan Tang tại Đại học Duke-Kunshan cho biết thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc là thuyết phục đội ngũ nhân viên y tế có trình độ đến các vùng nông thôn.
Các bác sĩ và sinh viên y khoa cho rằng khối lượng công việc ở nông thôn nhiều nhưng lương thấp. Sinh viên y khoa tên Shirley Yang, bác sĩ nội trú tại Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, cho biết thu nhập hàng tháng tại thủ phủ của tỉnh là hơn 20.000 nhân dân tệ (2.750 USD hay 69,6 triệu VNĐ), cao gấp 10 lần so với bệnh viện nông thôn.
Xiang, một bác sĩ 43 tuổi ở khu vực nông thôn tỉnh Hồ Nam, cho biết cô chỉ được cấp ống nghe và nhiệt kế. Cô còn tự dùng tiền cá nhân để mua thiết bị đo đường huyết. Vì mức lương bác sĩ chỉ có 1.000 nhân dân tệ một tháng (khoảng 3,4 triệu VNĐ), cô Xiang trồng rau và làm thêm để nuôi gia đình.
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, năm 2023, Trung Quốc đã chi 7,2% GDP cho chăm sóc sức khỏe. Con số này thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 11,5% và 9,7% GDP. Nợ của chính quyền địa phương cao sẽ khiến Trung Quốc khó thúc đẩy đầu tư vào chăm sóc sức khỏe.
Một chiến lược mà chính quyền sử dụng để thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khoẻ giữa nông thôn và thành thị vào năm 2035 là miễn học phí cho một số sinh viên y khoa. Đổi lại bác sĩ mới vào nghề sẽ làm việc tại các phòng khám nông thôn trong các đợt thực tập trước hoặc sau khi tốt nghiệp.
Theo Reuters