spot_img
17 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánTrung Quốc nỗ lực đưa máy bay COMAC vào thị trường Việt...

Trung Quốc nỗ lực đưa máy bay COMAC vào thị trường Việt Nam

Tập đoàn COMAC (Trung Quốc) đang nỗ lực thuyết phục Việt Nam cho phép máy bay của hãng được lưu hành trong nước, nhằm cạnh tranh với Airbus và Boeing. Thỏa thuận thuê ngắn hạn 2 chiếc C909 đang chờ phê duyệt, trong bối cảnh các rào cản pháp lý còn tồn tại.

Reuters đưa tin, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang tìm cách thuyết phục Việt Nam cho phép máy bay của họ lưu hành trong nước. Mục đích nhằm gia tăng cạnh tranh với các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như Airbus và Boeing.

Sau nhiều tháng đàm phán, một hãng hàng không tư nhân hàng đầu Việt Nam dự kiến sẽ thuê ngắn hạn 2 máy bay phản lực C909, do phi hành đoàn của Hãng hàng không Thành Đô (Trung Quốc) vận hành, trên một tuyến bay nội địa từ ngày 15/1. Tuy nhiên, cơ quan quản lý hàng không Việt Nam vẫn chưa phê duyệt thỏa thuận này, do lo ngại về việc cấp phép cho loại máy bay hiện chỉ được chấp thuận tại Trung Quốc và Indonesia.

Hợp đồng cho thuê đã được truyền thông Việt Nam đưa tin, nhưng những chi tiết như sự chậm trễ phê duyệt, chiến lược dài hạn của các bên, cùng nỗ lực của COMAC trong việc giành sự chấp thuận của cơ quan quản lý, bao gồm các điều khoản tài chính và đào tạo hấp dẫn chưa từng được tiết lộ trước đây.

Trung Quốc nỗ lực đưa máy bay COMAC vào thị trường Việt Nam
Máy bay Trung Quốc C919 tại Sân bay quốc tế Vân Đồn hồi đầu năm 2024 (Ảnh: COMAC)

Máy bay C909 có sức chứa tối đa 90 chỗ ngồi. Đây là máy bay thương mại đầu tiên của Trung Quốc, ra mắt năm 2016, với khoảng 160 chiếc đã được bàn giao. Mặc dù không nổi tiếng như dòng máy bay thân hẹp C919, C909 được kỳ vọng giúp COMAC tạo chỗ đứng tại một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và nâng cao sự hiện diện ngoài Trung Quốc trước khi tăng cường sản xuất dòng C919.

Trước đó, một hãng hàng không tại Việt Nam đã thương thảo với một bên cho thuê nước ngoài về việc thuê 2 máy bay phản lực E190 do Embraer (Brazil) chế tạo, đây là nhà sản xuất dẫn đầu phân khúc máy bay 90 chỗ ngồi. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này đã đổ vỡ vào cuối năm ngoái.

Lời đề nghị của Trung Quốc hiện đi kèm các điều khoản tài chính “quá hấp dẫn để từ chối”. Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐQT COMAC Tan Wangeng đã thăm Hà Nội tuần trước. Đồng thời, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, kêu gọi tăng cường kết nối giữa hai nước.

Hiện chưa rõ thời điểm Việt Nam sẽ phê duyệt thỏa thuận này. Tuy nhiên, ngay sau cuộc điện đàm trên, Chính phủ Việt Nam đã công bố nỗ lực gỡ bỏ các rào cản pháp lý nhằm tạo điều kiện cho máy bay COMAC hoạt động.

Kế hoạch toàn cầu của COMAC

Hiện tại, chỉ có các hãng hàng không Trung Quốc khai thác máy bay C909 và C919, ngoại trừ một hãng hàng không Indonesia đang sử dụng máy bay C909.

Cả 2 dòng máy bay này đều có hồ sơ an toàn vững chắc, chưa từng xảy ra tai nạn nào. Tuy nhiên, số giờ bay của chúng ít hơn nhiều so với các mẫu máy bay đối thủ và chưa được các cơ quan quản lý phương Tây chứng nhận.

Trung Quốc nỗ lực đưa máy bay COMAC vào thị trường Việt Nam
Nguồn: Financial Times

Vào tháng 2/2024, COMAC lần đầu tiên trưng bày máy bay bên ngoài Trung Quốc tại Singapore, bao gồm một điểm dừng tại Việt Nam, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận so với việc trước đây chỉ giới hạn các sự kiện công khai trong nước.

Tháng 1/2025, công ty khởi nghiệp GallopAir, có trụ sở tại Brunei, đã thuê một chiếc từ China Southern Airlines. CEO Cham Chi cho biết việc sử dụng C909 tại Brunei chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ cơ quan quản lý của nước này xem xét cấp phép cho dòng máy bay này.

Năm 2023, GallopAir đã đặt mua 15 chiếc C909 và 15 chiếc C919, đánh dấu đơn đặt hàng C919 đầu tiên từ một khách hàng không thuộc Trung Quốc.

COMAC đã tiếp cận các hãng hàng không, cơ quan quản lý và công ty hàng không vũ trụ trên khắp châu Á và nhiều khu vực khác. Trong tháng này, hãng cũng tuyên bố muốn đưa C919 bay đến Đông Nam Á vào năm tới.

Hiện có khoảng 16 chiếc C919 đang được các hãng hàng không Trung Quốc khai thác, và COMAC đặt mục tiêu sản xuất 30 chiếc trong năm nay.

COMAC đang theo đuổi chứng nhận từ EU cho dòng C919. Tuy nhiên, việc thiếu chứng nhận từ các cơ quan quản lý bên ngoài Trung Quốc vẫn là rào cản lớn khiến các hãng hàng không nước ngoài do dự trong việc sử dụng máy bay của hãng.

Cơ quan quản lý của Việt Nam muốn đảm bảo rằng bất kỳ giấy phép nào được cấp sẽ không gây ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định của các cơ quan hàng không nước ngoài, bao gồm cả Mỹ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật