spot_img
17 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhLối rẽ nào cho nước Mỹ ?

Lối rẽ nào cho nước Mỹ ?

Ông Trump sẽ không kế thừa, tiếp nối và tiếp tục những định hướng chính sách cầm quyền cốt lõi nhất của người tiền nhiệm là ông Joe Biden.

Từ thời điểm thắng cử của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối năm ngoái ở nước Mỹ được xác định chắc chắn, cả trong lẫn ngoài nước Mỹ đều biết rằng nước Mỹ sắp rẽ vào lối đường khác. Ông Trump sẽ không kế thừa, tiếp nối và tiếp tục những định hướng chính sách cầm quyền cốt lõi nhất của người tiền nhiệm là ông Joe Biden. 

Ông Trump cũng sẽ không lặp lại y khuôn chương trình nghị sự cầm quyền đã được thực thi ở nhiệm kỳ tổng thống trước của chính ông. Nước Mỹ chắc chắn sẽ rẽ vào ngả đường mới nhưng không ai dám chắc ngả đường này sẽ dẫn tới đâu.

Chỉ có cung cách cầm quyền của ông Trump cơ bản vẫn không khác xưa, có chăng là mức độ sẽ quyết liệt hơn và cực đoan hơn. Ông sẽ sử dụng sắc lệnh hành pháp của tổng thống làm công cụ cầm quyền liên tục và thường xuyên, rồi sẽ sớm sa thải không ít cộng sự có mặt trong đội ngũ nhân sự ban đầu và lại sẽ có nhiều lần bất ngờ thay đổi quan điểm chính sách, biện pháp và quyết sách cả về đối nội lẫn đối ngoại. 

Ông Trump sẽ tiếp tục tập trung quyền lực vào tay mình dựa trên quyền uy gần như tuyệt đối trong Đảng Cộng hòa và sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa đối với lưỡng viện lập pháp ở nước Mỹ. Quyền lực này giúp ông Trump quyết tâm hơn và quyết liệt hơn, tự tin hơn và cực đoan hơn trong việc thực thi chương trình nghị sự.

Lối rẽ nào cho nước Mỹ ?- Ảnh 1.

Người ủng hộ của ông Trump tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington hôm 19-1. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo đó, ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump sẽ bắt tay thực hiện những cam kết to tát và phát ngôn mạnh bạo, với chủ định là sự khởi đầu quan trọng và đáng giá hơn hết – cứ thực hiện đã, kết cục cuối cùng lại là chuyện khác.

Ông Trump sẽ làm cho nước Mỹ thay đổi trước rồi sau mới động chạm tới thế giới bên ngoài. Những dự định của ông cho ngày cầm quyền đầu tiên đã thể hiện điều ấy. Chuyện đối nội ở đây là bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, ân xá cho những người nổi loạn ngày 6-1-2021, hủy bỏ việc bắt buộc các hãng chế tạo ô tô phải chế tạo xe điện và lại cho phép sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khai thác dầu khí. Về đối ngoại, có thể ông Trump tiếp tục tung đòn áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với một số đối tác của Mỹ. 

Ông Trump cũng sẽ gấp rút thu xếp gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Về đối nội, ông Trump dành ưu tiên thời kỳ đầu để thực hiện ngay các cam kết tranh cử nhằm trấn an bộ phận cử tri đã ủng hộ mình. Về đối ngoại, xem ra mục tiêu số một của ông là xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc, từ đó xử lý dần đến những vấn đề đối ngoại khác.

Để dễ bề tiến thoái, ông Trump thường chỉ đưa ra chủ ý và không nói rõ cách hiện thực hóa chủ ý đó. Chống lạm phát ra sao hay giảm giá cả sinh hoạt như thế nào đều là những câu hỏi mà ông Trump chưa có câu trả lời. Tương tự như vậy đối với việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine hay ứng phó đòn trả đũa của các đối tác bị ông áp thêm thuế quan… 

Nước Mỹ khó có thể yên bình ở thời ông Trump trở lại cầm quyền, chưa thể nhanh chóng mạnh hơn trước trên mọi phương diện, vẫn phải bận rộn và tự suy yếu bởi chuyện nội bộ của chính nước này. 

Vì thế, nước Mỹ thời ông Trump sắp tới tiếp tục phân rẽ nội bộ nghiêm trọng và chỉ có thể tác động ở mức độ nhất định chứ không thể làm thay đổi cơ bản thế giới bên ngoài.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật