Chia sẻ tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng diễn biến thị trường ngay sau Tết Âm lịch thường khởi sắc.
Tâm lý nhà đầu tư sau Tết tương đối tích cực bởi sau tháng 2 KQKD của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Theo chuyên gia, VN-Index sau Tết Âm lịch sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất, ….
Với nhóm ngân hàng, chuyên gia cho rằng đây sẽ là ngành dẫn dắt thị trường đi lên sau Tết. VPBankS dự phóng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng vẫn duy trì như đầu năm, ở mức khoảng 15% cho năm 2024 và hơn 17% cho năm 2025. Bên cạnh đó, P/B ngành ngân hàng đang dao động khoảng 1,5 lần, tương đối hấp dẫn và hợp lý. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ROE hai con số trong năm 2024 thì mức định giá P/B sẽ phản ánh KQKD đó.
“Vốn hóa ngành ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 25 – 30% tổng vốn hóa HOSE. Sự tích cực của ngành ngân hàng sẽ được lan tỏa sang những nhóm ngành khác. Ngân hàng hội tụ đầy đủ các yếu tố về thanh khoản, vốn hóa, nhận được sự quan tâm của định chế tài chính, NĐT nước ngoài cũng như tính chu kỳ, định giá hợp lý.
Đặc biệt, nếu quan sát có thể thấy dòng tiền đang tìm đến động lực là kết quả kinh doanh quý IV. Trong đó, chúng tôi cũng theo dõi và thống kê rằng ngân hàng và chứng khoán là những ngành có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ”, ông Dương nhận định.
Về ngành thép, chuyên gia đánh giá xu hướng sẽ tích cực trong năm 2024 và 2025. Về cơ cấu lợi nhuận, giá đầu vào bao gồm quặng, than cốc… đang có sự điều chỉnh giảm tương đối sâu so với năm 2023. Giá sản phẩm đầu ra cũng giảm, nhưng không sâu như giá đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành thép nói chung.
Với kỳ vọng trong năm 2025 về chính sách thuế, bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ tạo nên kỳ vọng tích cực cho ngành thép. Mặt khác, nhu cầu sử dụng thép trong nước sẽ có sự phục hồi đáng kể trở lại trong năm 2025, dựa trên nền thấp của 2023 – 2024 và sự phục hồi của thị trường BĐS cũng như việc đầu tư công được đẩy mạnh.
Ngành xây dựng cũng đang có biến động tích cực, đặc biệt ROE, ROA đang có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái Tuy nhiên, với ngành này, NĐT cần chọn lọc cổ phiếu, bởi sự phục hồi hoạt động kinh doanh vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào các khoản hoàn nhập, thu nhập khác. Đối với BĐS dân cư, chuyên gia kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp so với cùng kỳ năm ngoái, phần kỳ vọng tăng trưởng mạnh sẽ được đặt vào năm 2025 và những năm tiếp theo.
Với những ngành nhỏ hơn, NĐT có thể cân nhắc thêm một số cổ phiếu đầu ngành như thực phẩm đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, bán lẻ …. Lợi nhuận 2024 của những ngành này sẽ tăng trưởng bằng lần so với 2023 bởi lợi nhuận năm 2023 âm hoặc có nền rất thấp. Tuy nhiên, triển vọng năm tiếp theo ở mức độ vừa phải, với du lịch giải trí và bán lẻ biểu hiện cho xu hướng này.
Du lịch giải trí và bán lẻ được nhận định đang có mức P/E, P/B tương đối cao. Tuy nhiên, khi lợi nhuận nhóm ngành này tăng trở lại, định giá sẽ ở mức hợp lý và phù hợp với thị trường chung.