Dự đoán về việc lãi suất sẽ giảm có thể bị trì hoãn nếu các chính sách thuế quan của nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump làm tăng áp lực lạm phát trên thị trường, CEO UBS Sergio Ermotti cảnh báo hôm thứ Ba.
“Tôi đã nói từ rất lâu rồi, rằng lạm phát vẫn dai dẳng hơn những gì chúng ta dự báo”, Ermotti chia sẻ với Andrew Ross Sorkin của CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. “Sự thật là chúng ta cần xem xét cách thuế quan sẽ ảnh hưởng đến lạm phát”.
“Thuế quan có thể không giúp lạm phát giảm xuống. Do đó, tôi không cho rằng lãi suất sẽ giảm nhanh như mọi người kỳ vọng”, ông nói thêm.
Thị trường đang theo dõi sát sao các động thái thương mại của chính quyền Trump mới nhậm chức, trong đó tân Tổng thống đe dọa áp thuế 25% đối với Mexico và Canada, đồng thời cân nhắc các biện pháp thương mại trả đũa nhằm vào Trung Quốc để buộc ByteDance phải bán TikTok.
Các đồng minh lâu năm của Mỹ tại châu Âu cũng lo ngại về nguy cơ chính sách bảo hộ thương mại trong bối cảnh Trump thúc đẩy chiến lược “Nước Mỹ trên hết”.
Trong khi đó, lạm phát đã hạ nhiệt ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, sau giai đoạn tăng giá mạnh do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng từ chiến tranh ở Ukraine. Năm ngoái, châu Âu, Anh và Mỹ đều bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Tại Mỹ, lạm phát đã tăng nhẹ vào tháng 12, đạt 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 2,7% của tháng 11. Biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra khả năng chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025, thấp hơn so với dự đoán 4 lần vào tháng 9, với mỗi lần giảm 0,25%.
Môi trường lãi suất cao thường mang lại lợi ích cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng Mỹ có thể có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ châu Âu nếu Trump thực hiện cam kết nới lỏng quy định tài chính.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự nới lỏng quy định đáng kể”, Ermotti nhận xét. “Có lẽ sẽ không có thêm quy định mới, hoặc những quy định chồng chéo với các quy định hiện hành”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng không nên được “nới lỏng quy định một cách ồ ạt”, nhưng lưu ý rằng việc tránh các quy định không cần thiết là rất quan trọng.
“Cá lớn trong hồ nhỏ”
Tại Thụy Sĩ, UBS đã gặp phải xung đột với các nhà quản lý sau khi thoát khỏi cuộc sáp nhập hỗ trợ bởi chính phủ với đối thủ Credit Suisse vào năm 2023. Ngân hàng này đang phải đối mặt với lo ngại rằng quy mô của nó quá lớn đối với nền kinh tế Thụy Sĩ, vốn đã chịu áp lực từ đồng franc mạnh và lạm phát giảm.
“Nếu chỉ nhìn vào con số, UBS so với nền kinh tế Thụy Sĩ thì quá lớn”, cựu Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/1 với báo Tages-Anzeiger. “Do đó, rủi ro cần được giảm thiểu. Trách nhiệm thuộc về các cổ đông, những người bầu ra hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm với vốn của mình, chứ không phải người đóng thuế”.
Với bảng cân đối kế toán đạt hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2023, UBS có quy mô gấp đôi tổng sản lượng kinh tế dự kiến của Thụy Sĩ năm ngoái. Điều này khiến ngân hàng không có đối thủ nội địa đủ lớn để hấp thụ rủi ro nếu gặp sự cố, đồng thời có thể khiến chính phủ Thụy Sĩ phải gánh chịu hậu quả nặng nề trong trường hợp cần quốc hữu hóa.
Ermotti từng bác bỏ ý kiến cho rằng UBS “quá lớn để thất bại”, trong khi chính phủ Thụy Sĩ đã khuyến nghị ngân hàng này cùng ba tổ chức tài chính có hệ thống quan trọng khác phải đáp ứng yêu cầu vốn khắt khe hơn để bảo vệ nền kinh tế quốc gia.
Kết quả kinh doanh quý III của UBS cho thấy lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông đạt 1,43 tỷ USD, vượt xa dự báo trung bình 667,5 triệu USD từ cuộc thăm dò của LSEG.
Doanh thu của tập đoàn trong giai đoạn này đạt 12,33 tỷ USD, cũng cao hơn dự đoán 11,78 tỷ USD. Báo cáo quý IV dự kiến sẽ được công bố vào ngày 4/2.
Theo CNBC