spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánLàm rõ phương án tài chính cho cao tốc Tân Phú -...

Làm rõ phương án tài chính cho cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc 18.000 tỷ đồng: Tập đoàn Đèo Cả đối mặt với vòng xoáy vốn?

Tập đoàn Đèo Cả hiện là nhà đầu tư duy nhất tiếp tục theo đuổi kế hoạch triển khai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 66km, đi qua 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai và là một phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km. Dự án ban đầu được liên danh Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, Hưng Thịnh và Nam Miền Trung đã rút lui, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục theo đuổi kế hoạch thực hiện dự án.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên đến 17.919 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm khoảng 6.500 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ nhà đầu tư (hơn 11.400 tỷ đồng). Dự án dự kiến được triển khai trong giai đoạn năm 2025 – 2027 với thời gian vận hành và khai thác kéo dài 24 năm 1 tháng.

Thông tin từ Báo Đầu tư, sau hơn một năm thẩm định, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có báo cáo số 219/BC-HĐTĐLN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả đánh giá báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Cụ thể, trong báo cáo có đề xuất tăng vốn ngân sách Nhà nước lên tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định tại Điều 69 Luật PPP, nhằm giảm thời gian hoàn vốn, tăng tính khả thi tài chính và thu hút nhà đầu tư. Nếu đề xuất này được thực hiện, vốn Nhà nước tham gia dự án sẽ tăng lên 8.900 tỷ đồng, tăng thêm 2.400 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ và gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành), khẳng định rằng dự án sẽ tiếp tục được triển khai theo đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và không đề xuất tăng vốn ngân sách Nhà nước.

“Do vậy, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, thuyết minh thống nhất trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án”, báo cáo nêu rõ.

Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả đã đề nghị Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, thống nhất bổ sung thêm ngân sách trung ương (hoặc đề xuất HĐND tỉnh cân đối ngân sách địa phương) tăng khoảng 2.410 tỷ đồng cho dự án để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật PPP, đồng thời giảm thời gian hoàn vốn cho dự án.

Vì vậy, việc UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến triển khai theo đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và không đề xuất tăng vốn ngân sách Nhà nước có thể khiến cho nhà đầu tư đối diện với những khó khăn trong việc đảm bảo cân đối tài chính.

Làm rõ phương án tài chính cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 18.000 tỷ đồng: Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục gặp khó?
Phối cảnh dự án Tân Phú – Bảo Lộc

Về nguồn thu và khả năng thu hồi vốn, dự án dự kiến áp dụng mức giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ, với mức phí cho các xe nhóm 1 là 2.000 đồng/xe/km và các nhóm xe khác từ 2.600 đồng đến 7.600 đồng/xe/km. Hội đồng thẩm định yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát lại mức giá đề xuất, căn cứ và lộ trình điều chỉnh mức giá dịch vụ đường bộ cho phù hợp với các quy định tại Luật Đầu tư PPP, Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và các văn bản pháp lý liên quan.

Đặc biệt, thời gian hoàn vốn dự án là 24 năm 1 tháng, lâu hơn so với kế hoạch ban đầu (22 năm 6 tháng). Điều này có thể gây khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, vì phần lớn nguồn vốn tín dụng hiện nay chủ yếu có thời gian vay ngắn hơn 20 năm. Trong 15 năm đầu khai thác, dự án không thể trả nợ, điều này đặt ra thách thức lớn về khả năng thu hồi vốn.

Chính vì vậy, Hội đồng thẩm định yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét kỹ lưỡng các yếu tố trong phương án tài chính, bảo đảm tính khả thi trong việc huy động vốn vay, cũng như các yếu tố liên quan đến vận hành, khai thác và bảo trì công trình sau khi bàn giao cho nhà nước, theo đúng quy định tại Điều 67 Luật PPP và các quy định pháp lý hiện hành.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật