spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNhà đầu tư tranh mua cổ phiếu một doanh nghiệp Thái Bình:...

Nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu một doanh nghiệp Thái Bình: 4 phiên trước Tết, lãi gần 64%

Sau 11 quý chìm trong thua lỗ, BOT Cầu Thái Hà (tỉnh Thái Bình) gây bất ngờ khi công bố lợi nhuận ròng quý IV/2024 đạt 302,2 tỷ đồng, gấp 31 lần so với cùng kỳ năm trước

Trước thời điểm 10h phiên 23/1, cổ phiếu BOT của CTCP BOT Cầu Thái Hà (sàn UPCoM) bất ngờ tăng trần phiên thứ tư liên tiếp, đạt 4.100 đồng/cổ phiếu. Với 6,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, BOT vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn như VPB, HPG, NVL để dẫn đầu nhóm thanh khoản cao nhất. Chỉ sau 4 phiên tăng trần gần nhất, cổ phiếu này đã tăng 64%.

Nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu một doanh nghiệp Thái Bình: 4 phiên trước Tết, lãi gần 64%
Diễn biến giá cổ phiếu BOT

Lợi nhuận đột biến: Từ lỗ lũy kế đến lãi “trên giấy”

Sau 11 quý chìm trong thua lỗ, BOT Cầu Thái Hà gây bất ngờ khi công bố lợi nhuận ròng quý IV/2024 đạt 302,2 tỷ đồng, gấp 31 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu trong kỳ đạt 414 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí BOT chiếm 56,2 tỷ đồng (không có biến động đáng kể). Điểm sáng lớn nhất đến từ mảng bán hàng hóa – khoản mục trước đây không xuất hiện – với doanh thu 357,8 tỷ đồng, giá vốn chỉ 34,8 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận gộp 323 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản lãi này hiện vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chưa thực sự về doanh nghiệp, mà được ghi nhận ở khoản phải thu từ hợp tác kinh doanh, chưa rõ thu từ bên nào. Tại ngày 31/12/2024, công ty chỉ có 9,7 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tổng tài sản đạt 1.823 tỷ đồng.

Hậu thuẫn từ chính sách và giải pháp hỗ trợ

BOT Cầu Thái Hà được thành lập năm 2014 với tổng mức đầu tư 1.459,5 tỷ đồng, xây dựng cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng, kết nối Thái Bình và Hà Nam. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 16 năm 7 tháng (bắt đầu từ tháng 2/2019).

Tuy nhiên, dự án sớm rơi vào khó khăn lớn khi cầu Hưng Hà (một cây cầu sử dụng vốn ODA không thu phí, nằm cách cầu Thái Hà chỉ 3-4km) đi vào hoạt động. Phương tiện giao thông chủ yếu chọn cầu miễn phí, khiến doanh thu BOT Cầu Thái Hà không đủ trả lãi vay, dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài.

BOT
Trước đó, trong suốt 11 quý, BOT Cầu Thái Hà chìm trong thua lỗ và gần như không thể vực dậy, phải cầu cứu Chính phủ (Hình ảnh trạm thu phí BOT Cầu Thái Hà)

Tính đến cuối quý III/2024, công ty lỗ lũy kế 490,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 101,7 tỷ đồng. Với mức lỗ trung bình 20 tỷ đồng/quý, công ty đối diện nguy cơ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu trong chưa đầy 5 quý tiếp theo.

Tháng 9/2024, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức đàm phán với các bên liên quan (gồm ngân hàng tín dụng và BOT Cầu Thái Hà) để tìm giải pháp. Nhà đầu tư và ngân hàng đã thống nhất kiến nghị bổ sung vốn Nhà nước nhằm hỗ trợ tài chính và giảm áp lực cho dự án.

Nhờ báo lãi lớn trong quý IV, vốn chủ sở hữu của BOT Cầu Thái Hà đã phục hồi lên 404,1 tỷ đồng, giảm lỗ lũy kế còn 188,4 tỷ đồng. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp doanh nghiệp tạm thoát nguy cơ phá sản.

Dù có lợi nhuận đột biến, rủi ro tài chính của BOT Cầu Thái Hà vẫn rất lớn. Hiện 78% tài sản của công ty được xây dựng từ các khoản nợ, khiến dòng tiền chịu áp lực lớn từ lãi vay. Khoản phải thu từ mảng bán hàng hóa – nguồn gốc của lợi nhuận đột biến – chưa rõ đối tác và thời điểm thu hồi, tạo ra nghi vấn về tính bền vững của kết quả kinh doanh.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật