Ảnh minh họa |
Dư nợ margin tiếp tục lập đỉnh
Cuối quý IV/2024, tổng dư nợ cho vay (chủ yếu là margin) của các công ty chứng khoán đạt gần 248.800 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm, dù đi ngang so với quý trước. Đây là quý thứ 8 liên tiếp dư nợ toàn thị trường ghi nhận mức tăng, gấp đôi con số hơn 122.400 tỷ đồng của quý IV/2022. Trong cùng thời điểm, VN-Index tăng 26%.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại giảm sút, với bình quân chỉ 15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 21.400 tỷ và 22.200 tỷ trong nửa đầu năm.
Khi giá cổ phiếu rớt mạnh, hệ quả mà nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phải đón nhận là rất lớn. Điều này có vẻ hơi lo xa nhưng cũng cần để mắt tới.
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm
Trong bối cảnh dư nợ margin bứt phá, các công ty chứng khoán ghi nhận tổng lợi nhuận từ hoạt động cho vay đạt hơn 6.400 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về dư nợ cho vay là TCBS với gần 25.900 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, tiếp theo là HSC và SSI với lần lượt 22.000 tỷ đồng và 20.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, Mirae Asset, VPS, Vietcap, VNDirect và MBS cũng ghi nhận dư nợ trên 10.000 tỷ đồng.
Xét theo tốc độ tăng trưởng dư nợ margin, theo FiinGroup, Chứng khoán HD dẫn đầu với mức tăng vượt trội 82,7% so với quý liền kề trước đó, đưa quy mô margin lên mức 1.241 tỷ đồng trong quý IV. Ở chiều ngược lại, dư nợ margin giảm mạnh ở Chứng khoán KB Việt Nam giảm 609 tỷ đồng (-9,8%) và VDS giảm 535 tỷ đồng (-17,2%).
Lo ngại về chất lượng margin
Theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường tại KBSV, thanh khoản thị trường thấp cho thấy lượng margin thực tế từ nhà đầu tư cá nhân không cao, mà phần lớn xuất phát từ các giao dịch thỏa thuận của tổ chức với công ty chứng khoán.
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm, cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng margin. Nhiều doanh nghiệp sử dụng cổ phiếu làm tài sản thế chấp để vay vốn trong bối cảnh khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu giá cổ phiếu giảm mạnh, tái hiện tình trạng như năm 2022 khi trái phiếu và tài sản đảm bảo đồng loạt mất giá trị.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu giá cổ phiếu thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng an toàn, thị trường có thể đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng. “Hệ quả đối với nhà đầu tư sẽ rất lớn nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh mạnh”, ông Nhân nhấn mạnh, đồng thời nhấn mạnh sự thận trọng trước rủi ro tiềm tàng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng bền vững, sự gia tăng mạnh mẽ của dư nợ margin đặt ra bài toán lớn về quản lý rủi ro và chất lượng vốn vay, đặc biệt khi thanh khoản vẫn ở mức thấp và thị trường đầy bất ổn.