Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cáo buộc Panama đã vi phạm những lời hứa về việc chuyển giao tuyến đường thủy chiến lược cuối cùng vào năm 1999 và nhượng lại hoạt động của mình cho Trung Quốc.
“Chúng tôi không trao (kênh đào Panama) cho Trung Quốc. Chúng tôi đã trao cho Panama và chúng tôi sẽ lấy lại nó”, Tổng thống Trump tuyên bố.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã bị đối xử rất tệ từ món quà đáng lẽ không bao giờ nên trao đi này và lời hứa của Panama với chúng tôi đã bị phá vỡ. Mục đích của thỏa thuận và tinh thần hiệp ước của chúng tôi đã bị vi phạm hoàn toàn”.
Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm và cách thức ông định làm điều này. Tuy nhiên, trước đó, ông Trump nhấn mạnh không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân sự để giành lại kênh đào Panama.
Kênh đào Panama do Mỹ xây dựng
Đáp lại cảnh báo trên, Tổng thống Panama Jose Mulino tuyên bố Panama sẽ chống lại kế hoạch của ông Trump.
“Tôi kịch liệt bác bỏ những điều mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức liên quan đến Panama và kênh đào. Việc quản lý kênh đào sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Panama với sự tôn trọng tính trung lập lâu dài của nó”, ông Mulino nói.
Ông Mulino lập luận rằng, Mỹ đã trao quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999 “là kết quả của một cuộc đấu tranh thế hệ”.
Ông cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế thông qua tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. “Chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự bảo vệ mình”, ông nhấn mạnh.
Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là hai vùng biển đông đúc, sầm uất nhất thế giới, nhưng chỉ có hai hải trình tự nhiên kết nối hai đại dương này là tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi, điểm cực Nam của châu Phi) hoặc mũi Horn (Chile, điểm cực Nam của Nam Mỹ), kéo dài hàng chục ngàn km và tiêu tốn cả tháng lênh đênh trên biển. Đối với tàu bè xuất phát từ vùng Bắc Mỹ, tuyến đường ngắn nhất là đi qua mũi Horn.
Năm 1878, Colombia khi đó đang kiểm soát và coi Panama là một bang, ký thỏa thuận với Pháp để khởi công dự án xây dựng một con kênh chạy vắt ngang Panama, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, với tham vọng rút ngắn quãng đường và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, do thiếu máy móc và quản lý tài chính yếu, dự án của Pháp phá sản năm 1899 với tổn thất khổng lồ khi có đến 22.000 công nhân bỏ mạng vì tai nạn lao động, sốt rét, sốt vàng da và các bệnh nhiệt đới khác.
Pháp rút lui, nước Mỹ – quốc gia vừa chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha và đang đà mở rộng ảnh hưởng trên khắp Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe, nhìn thấy cơ hội và đề xuất tiếp tục dự án nhưng bị Colombia thẳng thừng từ chối. Tổng thống Mỹ khi đó là Theodore Roosevelt gây áp lực bằng cách đưa tàu chiến áp sát Panama từ cả hai bờ đại dương, đồng thời hậu thuẫn phong trào ly khai Panama khai khỏi Colombia.
Mỹ cũng soạn sẵn dự thảo hiến pháp để Panama công bố ngay khi tách rời khỏi Colombia, cho phép Mỹ “có quyền can thiệp vào bất cứ nơi nào ở Panama nhằm thiết lập hòa bình và trật tự”. Cuối cùng, Panama tuyên bố độc lập vào tháng 11/1903. Ngay sau đó, chính quyền mới ở Panama ký với Mỹ Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, với nội dung Washington trả Panama 10 triệu USD cùng khoản tiền thường niên 250.000 USD để toàn quyền tiếp cận dải đất rộng 16km vắt ngang Panama để đào kênh.
Kênh đào Panama được trao trả và kiếm hàng tỷ USD
Năm 1914, kênh đào Panama hoàn thành, dài 82 km, gồm nhiều cống ngăn kết nối với các hồ chứa để đưa tàu bè từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại, do Mỹ toàn quyền quản lý. Tổng chi phí xây dựng kênh là gần 380 triệu USD, trở thành công trình xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm đó.
Các cuộc bạo loạn nhiều lần nổ ra ở Panama, đòi chính quyền Panama phải giành lại quyền kiểm soát con kênh từ Mỹ. Ngày 31/12/1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao lại kênh cho Panama.
Ngày nay, khoảng 5% tổng thương mại toàn cầu “chảy” qua kênh đào Panama, phần lớn là hàng hóa đi lại giữa bờ Đông nước Mỹ sang châu Á. Khoảng 40% container của Mỹ đi qua kênh này và 74% hàng hóa đi trên kênh Panama tới hoặc đi từ Mỹ.
Theo AFP, hồi tháng 10/2024, Cơ quan quản lý kênh đào Panama báo cáo doanh thu của kênh đào Panama tăng 1% trong năm tài chính tính đến tháng 9/2024, lên 4,986 tỷ USD . Thu nhập từ tuyến đường thủy này đến từ việc thu phí vận chuyển, bán điện và dịch vụ hàng hải.
“Nếu có nước, kết quả năm nay sẽ tốt hơn nhiều so với năm ngoái”, người quản lý kênh đào Ricaurte Vasquez phát biểu tại một cuộc họp báo. Việc thiếu mưa đã khiến cơ quan quản lý kênh đào phải giảm số lượng tàu qua lại hằng ngày từ 38 xuống còn 22, mặc dù sự sụt giảm này được bù đắp bằng việc các nhà khai thác tàu trả giá cao hơn cho phí vận chuyển.
Kênh hàng hải có tuổi đời hàng thế kỷ, sử dụng nước mưa được lưu trữ trong hai hồ nhân tạo khi mùa cạn, được nới lỏng các hạn chế về giao thông vào mùa mưa.