spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpCổ đông không tán thành việc Kido Group bán cổ phần Kido...

Cổ đông không tán thành việc Kido Group bán cổ phần Kido Foods

Phần lớn cổ đông Kido trong phiên họp bất thường sáng nay không đồng ý thông qua giao dịch bán 24,03% cổ phần KDF cho Nutifood.

Tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido sáng 24/1, nhiều cổ đông quan tâm đến giao dịch bán 24,03% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, KDF) cho Nutifood. Giao dịch này được Kido chuyển nhượng năm 2023 thông qua một công ty chứng khoán.

Đến tháng 9/2024, Nutifood tiếp tục gom cổ phiếu KDF thông qua các giao dịch trên sàn, nắm quyền kiểm soát Kido Foods với 51% cổ phần, còn Kido Group giữ 49% phần còn lại.

Kido Foods, từng là công ty con của Kido Group, trước đây vừa sản xuất vừa sở hữu trí tuệ hai thương hiệu kem Merino và Celano. Từ năm 2022, sau tái cơ cấu, quyền sở hữu hai thương hiệu kem này được chuyển về Kido Group, còn Kido Foods chỉ đảm nhiệm vai trò sản xuất. Tuy nhiên gần đây, Nutifood và Kido Group đã xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu hai thương hiệu kem nổi tiếng trên.

Ông Hải, đại diện quỹ đầu tư Singapore sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu KDC (chiếm 7,1% cổ phần), sáng nay phản đối giao dịch bán 24,03% vốn nêu trên. Theo ông, Kido đã thành công trong việc phát triển nhiều thương hiệu dẫn đầu, và sẽ là đơn vị có khả năng vận hành hai thương hiệu kem Celano và Merino hiệu quả tại Việt Nam.

Cổ đông Phan Lâm Bình, đại diện quỹ đầu tư nắm giữ 2,6 triệu cổ phiếu KDC, nói giao dịch bán hơn 24% vốn tại Kido Foods cần được biểu quyết lại và kêu gọi Hội đồng Quản trị hợp tác với các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Đại diện Satra – cổ đông Nhà nước – cũng đề nghị tập đoàn làm rõ giao dịch và báo cáo các thông tin chi tiết cho cổ đông. Đồng thời, ban kiểm soát công ty cần giám sát chặt chẽ các hoạt động xung quanh hai thương hiệu kem nêu trên.

Phản hồi cổ đông, lãnh đạo Kido giải thích giao dịch đã được Hội đồng Quản trị phê duyệt theo thẩm quyền, nhưng công ty sẽ tiến hành biểu quyết để đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Kido cũng cam kết trao đổi với các luật sư nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho công ty.

Tại đại hội, cổ đông đã tham gia biểu quyết về việc bán 24,03% cổ phần KDF. Kết quả cho thấy phần lớn cổ đông không đồng ý thông qua giao dịch này.

  • Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido, trả lời cổ đông tại địa hội sáng 24/1. Ảnh: Ngọc Anh

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido, khẳng định sẽ bảo vệ thương hiệu tập đoàn theo đúng nguyện vọng của cổ đông. Ông nhấn mạnh rằng sự thành công của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà còn vào giá trị của thương hiệu – thứ được xây dựng qua thời gian dài từ khi ra đời đến lúc chiếm được niềm tin người tiêu dùng.

Ông dẫn chứng, khi mua kem Wall’s từ Unilever, Kido chỉ được sử dụng nhà máy, trong khi toàn bộ thương hiệu và bao bì của Wall’s phải ngưng sử dụng. Các thương vụ mua lại trước đây của Kido cũng tương tự. Trong các giao dịch M&A, việc mua nhà máy, thương hiệu hay kênh phân phối đều có bản chất khác nhau.

Đối với giao dịch bán cổ phần KDF, ông Thành cho rằng việc công ty này chuyển từ công ty con thành công ty liên kết cũng đã tạo ra nhiều vấn đề không rõ ràng. Tập đoàn cam kết sẽ xem xét lại toàn bộ giao dịch theo ý kiến và quyền lợi của cổ đông.

  • Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido, trả lời cổ đông tại địa hội sáng 24/1. Ảnh: Ngọc Anh
  • Hội đồng quản trị Kido trả lời cổ đông tại đại hội bất thường sáng 24/1. Ảnh: Ngọc Anh

Gần đây, Kido Foods bị Kido Group cáo buộc tự ý sử dụng hình ảnh Merino và Celano trong các chiến dịch quảng cáo trên TikTok, YouTube, Facebook và các chương trình truyền hình như “Anh Trai Say Hi” và “2 ngày 1 đêm”. Hành vi này bị cho là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Kido Group.

Ngày 17/1, sau khi xem xét bằng chứng và đơn yêu cầu từ Kido Group, Tòa án Nhân dân TP HCM quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, tòa yêu cầu Kido Foods và các đối tác, bao gồm Công ty cổ phần Đất Việt Media, chấm dứt mọi hoạt động quảng bá liên quan đến hai thương hiệu trên. Quyết định này nhằm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi và giá trị thương hiệu của Kido Group.

Trong năm 2024, Kido đối mặt nhiều thách thức khi nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy và giá leo thang. Tính biến động của tỷ giá USD/VND đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng lợi nhuận gộp.

Năm 2025, Tập đoàn Kido dự kiến quay trở lại đường đua với bốn trụ cột chính: dầu ăn, bơ, ngành bánh và bánh bao. Ngoài việc ra mắt sản phẩm mới, Kido tăng cường bán hàng qua các kênh online như TikTok.

Thi Hà

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật