spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhLo ngại dịch bệnh, Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ nhiều...

Lo ngại dịch bệnh, Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ nhiều nước

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu cừu, dê, gia cầm và động vật móng guốc chẵn từ nhiều nước châu Phi, châu Á và châu Âu.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu cừu, dê, gia cầm và động vật móng guốc chẵn từ nhiều nước châu Phi, châu Á và châu Âu do sự bùng phát các dịch bệnh gia súc như bệnh đậu cừu, bệnh đậu dê và bệnh lở mồm long móng.

Theo một loạt thông báo mới đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lệnh cấm này được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thông tin về các đợt bùng phát dịch bệnh ở nhiều quốc gia.

Lệnh cấm nói trên áp dụng với cả sản phẩm đã qua chế biến và chưa qua chế biến từ nhiều nước, trong đó có Ghana, Somalia, Qatar, Cộng hoà Dân chủ Congo, Nigeria, Tanzania, Ai Cập, Bulgaria, Eritrea…

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới, cũng cho biết đã ngừng nhập khẩu cừu, dê và các sản phẩm liên quan từ Palestine, Pakistan, Afghanistan, Nepal và Bangladesh do sự bùng phát bệnh đậu cừu và bệnh đậu dê.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thông báo đã cấm nhập khẩu động vật móng guốc chẵn và các sản phẩm liên quan từ Đức sau khi quốc gia này ghi nhận sự bùng phát bệnh lở mồm long móng.

Bệnh lở mồm long móng (FMD), một căn bệnh từng hoành hành tại Bắc Phi và biến mất khỏi châu Âu suốt 30 năm, đang quay trở lại với những dấu hiệu đáng báo động. Sự xuất hiện của bệnh này tại Ba Lan và đặc biệt là Đức, ngay sát biên giới Bỉ, đã khiến ngành chăn nuôi nước này đứng trước nguy cơ lớn.

Ngày 10/1 vừa qua, một ổ dịch FMD đã được phát hiện tại Hönow, bang Brandenburg, Đức. Đàn trâu nước gồm 14 con, trong đó 3 con đã chết và 11 con còn lại bị tiêu hủy. Các trang trại lân cận và trong bán kính 20 km đã được khử trùng, trong khi dòng virus được xác định có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Việc FMD tái xuất hiện tại khu vực này đặc biệt đáng lo ngại khi Bỉ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ hậu quả của dịch bệnh lưỡi xanh, một căn bệnh virus khác gây thiệt hại nặng nề. Ông Philippe Duvivier, Chủ tịch Hiệp hội các nhà chăn nuôi và nông dân Bỉ (Fugea) đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình hiện tại của ngành chăn nuôi. Ông cho biết, các nhà chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh lưỡi xanh và việc xuất hiện thêm bệnh lở mồm long móng sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông chia sẻ nhiều nông dân đang rất vất vả và có thể không thể trụ vững nếu phải đối mặt thêm một dịch bệnh nữa.

Trước nguy cơ lây lan từ Đức, Cơ quan An toàn Thực phẩm Liên bang Bỉ (Afsca) đã nhanh chóng vào cuộc. Từ ngày 1/12/2024, Bỉ đã truy xuất nguồn gốc 228 con bò nhập khẩu từ bang Brandenburg. Các trang trại liên quan đều bị giám sát chặt chẽ, tạm ngưng mọi hoạt động vận chuyển gia súc và tiến hành kiểm tra lâm sàng cùng xét nghiệm.

Bà Aline Van Den Broeck, phát ngôn viên của Afsca, khẳng định tất cả các kết quả kiểm tra đều âm tính, và các trang trại đã được dỡ bỏ lệnh kiểm dịch. Tuy nhiên, Afsca sẽ tiếp tục giám sát tình hình tại Đức.

FMD là một bệnh do virus Aphtovirus gây ra, lây lan nhanh chóng giữa các động vật móng guốc chẵn như bò, lợn, cừu và dê. Dù không gây nguy hiểm cho con người, bệnh này gây sốt và các vết loét trong miệng động vật, làm giảm năng suất và có thể để lại vật mang mầm bệnh trong thời gian dài.

Trước đây, FMD từng được kiểm soát tại châu Âu nhờ vaccin, nhưng từ năm 1991, Liên minh châu Âu (EU) đã ngừng tiêm phòng do số ca bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2013, các ổ dịch đã xuất hiện tại Algeria, Libya và Tunisia, khiến nguy cơ tái bùng phát tại châu Âu gia tăng.

Hiện tại, không có thuốc đặc trị cho FMD. Dù động vật trưởng thành có thể tự khỏi bệnh, nhưng năng suất giảm sút nghiêm trọng và khả năng mang mầm bệnh lâu dài đang trở thành mối đe dọa lớn. Ngành chăn nuôi Bỉ đang đứng trước thách thức kép: vừa phục hồi từ dịch lưỡi xanh, vừa phải đối mặt với nguy cơ bùng phát của FMD từ các nước láng giềng.

Người chăn nuôi và các cơ quan quản lý hy vọng vào các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh kịch bản xấu nhất – một cuộc khủng hoảng ngành chăn nuôi có thể xảy ra trên diện rộng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật