Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman đã nhắc lại lập trường diều hâu của mình trong bài phát biểu tại London hôm thứ Ba (25/6).
“Lạm phát ở Mỹ vẫn tăng cao và tôi vẫn thấy một số rủi ro lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến triển vọng của mình”, bà cho biết. Nhận xét này khiến các nhà đầu tư có ấn tượng rằng lãi suất của Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn và khoảng cách lợi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn còn chưa thể thu hẹp.
Cuối tuần qua, đồng yên cũng sụt giảm so với đồng đô la do lo ngại về những bất ổn chính trị ở châu Âu dẫn đến việc tăng mua đồng đô la. Đồng đô la cũng tăng sau khi S&P công bố báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 26 tháng, cho thấy hoạt động kinh doanh đang tiếp tục mở rộng với tốc độ lành mạnh.
Masato Kanda, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản vào đầu tuần này đã củng cố quan điểm về những biện pháp can thiệp có thể xảy ra. “Chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết trước những động thái quá nhanh hoặc do các nhà đầu cơ thúc đẩy”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, việc bổ sung đồng yên vào danh sách giám sát của Mỹ về khả năng thao túng “không có nghĩa là Mỹ xem chính sách ngoại hối của Nhật Bản là có vấn đề”, đồng thời cho biết thêm rằng “chính sách của chúng tôi về việc ứng phó phù hợp với bất kỳ biến động quá mức nào vẫn không thay đổi”.
Đồng yên tiếp tục suy yếu so với đồng đô la Mỹ |
Một chuỗi sự kiện diễn ra đã gây áp lực lên đồng yên trong những ngày gần đây. Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis tuần qua cho biết có thể mất từ một đến hai năm để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% của Fed.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Nhật Bản đã được thêm vào danh sách giám sát các đối tác thương mại lớn đáng được “sự chú ý chặt chẽ” dựa trên thông lệ tiền tệ của Mỹ.
Một số chiến lược gia cho rằng việc bổ sung đồng yên vào danh sách này sẽ không mang lại nhiều sự thay đổi.
Yukio Ishizuki, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Daiwa Securities cho biết: “Những người tham gia thị trường tin rằng điều này có thể bổ sung các hạn chế đối với việc can thiệp tiền tệ, nhưng điều đó khó xảy ra”.
Nhật Bản mới đây cũng công bố dữ liệu lạm phát cơ bản trong tháng 5 đã tăng lần đầu tiên sau ba tháng lên 2,5% nhưng thấp hơn mức dự báo trung bình là 2,6% của các nhà kinh tế.
Bên cạnh đó, cuộc họp chính sách tiền tệ của BOJ từ ngày 13/6-14/6 đã chỉ ra kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản và đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung mặc dù không đưa ra thông tin cụ thể.
Khi được hỏi về các động thái của BOJ khi đồng yên suy yếu, Shoki Omori, chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities cho biết ông không mong đợi sẽ có nhiều thay đổi.
“BOJ sẽ duy trì lập trường chính sách hiện tại và những nhận xét mà họ đã sử dụng trong vài tháng qua. Tôi không cho rằng sẽ có những động thái giảm mua trái phiếu cũng như không tăng đột ngột trong tháng 7”, ông cho biết.
Mặt khác, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đẩy lùi dự báo về việc tăng lãi suất của Nhật Bản từ tháng 7 sang tháng 9.
“Thị trường không tin rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ vừa giảm mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản vừa thực hiện tăng lãi suất bổ sung vào tháng 7…Việc bán tháo đồng yên vẫn đang tiếp tục. Môi trường đang dễ dàng hơn cho các chiến lược chênh lệch lãi suất được thực hiện”, chiến lược gia Yukio Ishizuki cho biết.
Hirofumi Suzuki, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Sumitomo Mitsui Banking Corp. lưu ý rằng BOJ sẽ phải đưa ra một “quyết định khó khăn”.
“Tôi không kỳ vọng những biến động ngắn hạn của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các quyết định chính sách, nhưng nếu đồng yên tiếp tục mất giá hơn nữa thì sẽ khó có thể bỏ qua chúng…Trong khi BOJ đang chờ Bộ Tài chính can thiệp vào thị trường ngoại hối, thị trường tài chính có thể sẽ tiếp tục gây áp lực buộc BOJ phải sửa đổi chính sách tiền tệ của mình”, ông cho biết.
Chính phủ Nhật Bản và ngân hàng trung ương đã mua đồng yên từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5, đẩy đồng tiền này tăng lên 155 yên mỗi đô la sau khi chạm mốc 160 yên mỗi đô la.