Bất bình đẳng, giảm nạn đói, thúc đẩy phát triển bền vững và cải cách quản trị toàn cầu là các chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu của Brazil trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 – nhóm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad lần đầu đề xuất đánh thuế tối thiểu toàn cầu các tỷ phú để có nguồn lực cải thiện các vấn đề này. Tiếp tục xúc tiến cho ý tưởng, Brazil vừa công bố nghiên cứu ủy quyền cho nhà kinh tế người Pháp Gabriel Zucman tại Trường Kinh tế Paris thực hiện, về triển vọng tác động của thuế tối thiểu toàn cầu dành cho tỷ phú.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra các tỷ phú toàn cầu hiện chỉ đóng thuế tương đương 0,3% tài sản của họ. Nếu áp dụng mức thuế tối thiểu 2% thì thế giới huy động được 200-250 tỷ USD mỗi năm từ khoảng 3.000 cá nhân có tài sản từ một tỷ USD trở lên. Số tiền này có thể tài trợ cho các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cho biết các tỷ phú hiện sở hữu khối tài sản tương đương 13% GDP toàn cầu, tăng từ mức 3% hồi 1987. “Những người siêu giàu đóng thuế ít hơn so với các nhóm xã hội khác”, ông nói. Theo ông, điều này tạo ra bất bình đẳng.
Chuyên gia Gabriel Zucman nói thêm rằng Liên minh châu Phi, Bỉ, Colombia, Pháp và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất đánh thuế tối thiểu toàn cầu lên tỷ phú của Brazil
Theo tổ chức chống nghèo đói Oxfam International, khoảng cách giữa những người siêu giàu và phần lớn dân số toàn cầu đã gia tăng kể từ đại dịch. “Đây là đề xuất hợp lý và nghiêm túc, vì lợi ích kinh tế chiến lược của mọi chính phủ”, CEO tạm thời Amitabh Behar nhận xét.
Theo nghiên cứu năm 2023 của nhóm vận động Tax Justice Network, các quốc gia có thể mất đến 4.800 tỷ USD doanh thu thuế trong thập kỷ tới do các cá nhân và doanh nghiệp tận dụng các thiên đường thuế.
Felipe Antunes de Oliveira, Đại diện Bộ Tài chính Brazil thừa nhận đề xuất sẽ còn gặp nhiều thách thức. “Chúng tôi dự đoán các cuộc đàm phán sẽ kéo dài”, ông nói.
Phiên An (theo AP)