Trong số 6 nước này, Bulgaria hiện là quốc gia duy nhất đáp ứng gần như tất cả trừ một tiêu chí và có luật pháp được coi là tương thích với các quy định của Liên minh tiền tệ trong khu vực. Nhìn chung, báo cáo đề cập đến các kết quả khác nhau nếu xét về mức độ hội nhập của đồng euro, Bulgaria hiện là quốc gia có khả năng nhất trong khi 5 quốc gia còn lại khó có thể hội nhập sớm.
Đánh giá của EC dựa trên các tiêu chí cụ thể như ổn định giá cả, tài chính công, tỷ giá hối đoái và lãi suất dài hạn. Báo cáo của EC cho biết mặc dù đã có sự phát triển tích cực ở cả sáu quốc gia, nhưng chưa có quốc gia nào đáp ứng tất cả các yêu cầu để gia nhập khu vực đồng euro. Ủy ban châu Âu cũng cho biết thêm nhìn chung các nước này đều hội nhập tốt về mặt kinh tế và tài chính trong Liên minh châu Âu, mặc dù một số nước bộc lộ các lỗ hổng về kinh tế vĩ mô và phải đối mặt với những thách thức với môi trường kinh doanh và khuôn khổ thể chế của quốc gia.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã công bố tài liệu trong đó nói rõ về tiến độ hạn chế của các quốc gia thành viên không thuộc khu vực đồng euro. Tất cả các nước EU, ngoại trừ Đan Mạch, đã chính thức cam kết gia nhập khu vực đồng euro. 6 quốc gia là Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển hiện đang phấn đấu hướng tới mục tiêu đó. Đặc biệt, vấn đề lạm phát được coi là yếu tố trở ngại trong quá trình xem xét đối với các nước Trung và Đông Âu này.
Theo khảo sát mới nhất tại sáu quốc gia, có chưa tới 50% người dân ở các nước Bulgaria (49%), Cộng hòa Séc (49%) và Ba Lan (47%) muốn thấy loại tiền tệ euro ở nước họ trong khi đa số công dân ở Romania (77%), Hungary (76%) và Thụy Điển (55%) lại ủng hộ việc gia nhập khu vực đồng euro.