spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánSau Tết Âm lịch, chứng khoán Việt Nam thường biến động ra...

Sau Tết Âm lịch, chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao?

Thông tin có thể giúp nhà đầu tư tham khảo là dữ liệu lịch sử 5 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán trong 24 năm qua của VN-Index.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp kết thúc, nhà đầu tư dần chuẩn bị bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của năm con Rắn. Diễn biến sideway chủ đạo của thị trường chứng khoán trước kỳ nghỉ khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu rằng VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang, hay “thuận buồm xuôi gió”.

Thông tin có thể giúp nhà đầu tư tham khảo là dữ liệu lịch sử 5 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán trong 24 năm qua của VN-Index. Theo thống kê, chứng khoán Việt Nam có xác suất tăng điểm cao hơn với 15 năm, số lần giảm là 9. Trong 10 năm gần nhất, xác suất để chỉ số chính của TTCK Việt Nam tăng điểm sau Tết Nguyên đán lên đến 80%.

Sau Tết Âm lịch, chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao?- Ảnh 1.

Dù vậy, bối cảnh năm nay khá khác so với các năm trước. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến sớm, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng sau một năm khá biến động.

Trước đó, VN-Index khép lại năm 2024 tăng 12% so với đầu năm, qua đó đóng cửa tại 1.266,78 điểm. Trên thực tế, mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý 1 (tăng 13,6%). Với sự dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index liên tục bứt phá mạnh từ vùng 1.130, vượt 1.200 và áp sát ngưỡng 1.300 điểm.

Trong ba quý cuối năm, VN-Index chững lại rõ rệt với diễn biến sideway biên độ hẹp và thanh khoản lao dốc. Hàng loạt các thông tin liên quan đến tình hình chính trị – xã hội, tỷ giá leo thang, khối ngoại bán ròng kịch liệt tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu khiến VN-Index liên tục “gục ngã” trước ngưỡng 1.300 điểm.

Tính cả năm 2024, chỉ số chỉ có đúng 2 phiên đóng cửa trên 1.300 điểm dù nhiều lần thử thách mốc kháng cự này. Trong những nhịp rung lắc, VN-Index có lúc còn rơi xuống dưới 1.180 điểm.

Không chỉ điểm số ảm đạm, chứng khoán Việt Nam còn chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Sau năm bán ròng kỷ lục hơn 93.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh tay trên diện rộng trong tháng 1/2025, giá trị bán ròng trên toàn sàn đạt 6.754 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp khối ngoại bán ròng trên toàn sàn.

Sau Tết Âm lịch, chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao?- Ảnh 2.

Chọn lọc cổ phiếu nào “đón sóng”?

Nhìn chung, dữ liệu quá khứ chỉ mang tính chất tham khảo do bối cảnh từng thời kỳ khác nhau. Rất khó dự báo chính xác biến động của thị trường chứng khoán trong các phiên tới. Áp lực trong ngắn hạn rõ ràng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực để nhà đầu tư có thể kỳ vọng.

2025 vẫn được coi là năm của những góc nhìn lạc quan trước động lực từ nền tảng vĩ mô ổn định dưới những chính sách điều hành của cơ quan quản lý, kỳ vọng nâng hạng thị trường đón dòng tiền lớn, khả năng tăng trưởng doanh nghiệp tích cực và định giá duy trì hấp dẫn.

Đưa ra nhận định , Pyn Elite Fund đánh giá VN-Index đang bị giới hạn trong phạm vi giao dịch 1.200 – 1.300 điểm nhưng mục tiêu dài hạn của quỹ đối với chỉ số vẫn không đổi ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm tới và định giá thị trường chứng khoán ở mức P/E 16.

Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 cũng được Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định tích cực nhờ xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới, dư địa nới lỏng tài khoá trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và động thái quyết liệt từ Chính Phủ trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Thêm vào đó, vĩ mô Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 được dự báo đứng đầu khu vực ASEAN, đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Đào Hồng Dương , Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá diễn biến thị trường ngay sau Tết Âm lịch thường khởi sắc.

Tâm lý nhà đầu tư sau Tết tương đối tích cực bởi sau tháng 2 KQKD của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.

Nhờ đó, vị chuyên gia VPBankS nhận định VN-Index sau Tết Âm lịch sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất, ….

“Vốn hóa ngành ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 25 – 30% tổng vốn hóa HOSE. Sự tích cực của ngành ngân hàng sẽ được lan tỏa sang những nhóm ngành khác. Ngân hàng hội tụ đầy đủ các yếu tố về thanh khoản, vốn hóa, nhận được sự quan tâm của định chế tài chính, NĐT nước ngoài cũng như tính chu kỳ, định giá hợp lý.

Đặc biệt, nếu quan sát có thể thấy dòng tiền đang tìm đến động lực là kết quả kinh doanh quý IV. Trong đó, chúng tôi cũng theo dõi và thống kê rằng ngân hàng và chứng khoán là những ngành có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ”, ông Dương cho hay.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật