spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngDệt may tăng tốc đầu năm 2025

Dệt may tăng tốc đầu năm 2025

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I-2025 và đang đàm phán cho quý II-2025.

Nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, tận dụng tốt sự dịch chuyển đơn hàng trong bối cảnh cầu sản phẩm dệt may trên thế giới gia tăng là những lợi thế giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự tin chinh phục mục tiêu xuất khẩu 48 tỉ USD trong năm 2025.

Đơn hàng không thiếu

Từ tháng 12-2024 đến nay, Công ty TNHH Việt Thắng Jean liên tục tăng ca để đáp ứng cho đơn hàng xuân, hè năm 2025. Với chính sách chấp nhận những đơn hàng nhỏ và mặt hàng thời trang, công ty này đã có đơn hàng đến tháng 6-2025. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean, tự tin năm nay sẽ tăng trưởng khả quan hơn năm 2024.

“Xuất khẩu dệt may đã phục hồi tốt trong các tháng cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đã chủ động khâu nguyên liệu, xanh hóa khâu sản xuất để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhập khẩu, kể cả những thị trường khó tính nhất” – ông Việt nói.

Việt Thắng Jean là một trong khá nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may đã có đơn hàng ổn định đến quý II/2025. Tại khu vực phía Nam, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Thành Công, Công ty TNHH May mặc Dony… cũng nhận được đơn hàng dồi dào từ cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Diệt may Việt Nam (Vitas), cho biết bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN… hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Dệt may tăng tốc đầu năm 2025- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đã có đơn hàng đến quý II-2025

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam về đích với khoảng 44 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 11% so với năm 2023 và vươn lên vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều hàng dệt may nhất thế giới.

Ông Giang phân tích năm 2024, một số doanh nghiệp đã đón được luồng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar. Tuy nhiên, đây là những đơn hàng cơ bản, phân khúc giá thấp. Đáng chú ý, từ quý IV/2024, xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ và EU đã có sự phục hồi, khả năng sẽ trở lại bình thường sau quý II/2025. Đến lúc đó, Bangladesh sẽ trở lại cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam.

“Trong ngắn hạn, từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh” – ông Giang nói.

Vượt lên thách thức

Tuy đơn hàng đã quay trở lại, xuất khẩu năm 2025 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng các doanh nghiệp ngành không chủ quan mà chủ động chuẩn bị để thích ứng với các khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ ra thách thức lớn hiện nay là đơn giá thấp, không tăng so với năm 2024 và tính ổn định của đơn hàng không cao, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Các đối tác thay đổi phương án mua hàng rất nhanh. Mặc dù đơn hàng đã đàm phán nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1 – 2 tuần, các nhãn hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp ngưng sản xuất. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn đồng thời siết chặt các quy định liên quan đến xuất xứ vải, sợi buộc doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng” – ông Phạm Văn Việt chỉ ra.

Ông Việt tiết lộ Việt Thắng Jean đang tích cực gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… để thay thế nguyên liệu Trung Quốc cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Dù vậy, tại công ty này, tỉ lệ nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn đang chiếm 30%-35%.

Công ty TNHH May mặc Dony là một trong số ít doanh nghiệp ngành dệt may đạt được tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024.

Mặc dù không tiết lộ mức tăng trưởng cụ thể nhưng ông Phạm Quang Anh – Giám đốc công ty, cho biết doanh số xuất khẩu đã vượt lên mức 20% tổng doanh số công ty năm 2024.

“Ngoài yếu tố sức mua tăng do cầu thị trường phục hồi, tăng trưởng của công ty đến từ hoạt động mở rộng thị trường. Theo đó, tăng trưởng của công ty có được từ thị trường nội địa và các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông lẫn những thị trường mới khai phá như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga… Mới đây, công ty đã ký hợp đồng với khách hàng ở châu Phi. “Chúng tôi đã sản xuất đồng phục trong nhiều năm, chuyên làm sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng nên quy trình, đội ngũ, phương pháp, giá cả đều tốt” – ông Quang Anh nói về lợi thế cạnh tranh.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, chỉ ra áp lực kép của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong sản xuất. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh nếu không muốn bị đào thải, trong khi chi phí để chuyển đổi (đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống quản trị… ) không hề nhỏ, đơn hàng thiếu ổn định và giá bán không tăng.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Riêng về thị trường Mỹ, Chủ tịch Vitas cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế lẫn cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ.

Khi Tổng thống Donald Trump lên điều hành chính quyền và thực thi chính sách thuế mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ, có khả năng dệt may Việt Nam phải chịu thêm 10% thuế. Đây là một khó khăn lớn bởi Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành nhưng ở chiều tích cực, Việt Nam sẽ có khả năng san bằng khoảng cách về giá hàng dệt may với Trung Quốc tại thị trường này, đồng nghĩa với khả năng mở rộng thị phần.

“Ngành dệt may Việt Nam tại Mỹ sẽ có nhiều cơ hội nếu làm tốt, nhất là tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…” – ông Giang nhấn mạnh.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật