Hôm 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ, hiệu lực từ ngày 4/3. Henrik Adam, Chủ tịch hiệp hội thép châu Âu (Eurofer), cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai EU, chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu khi bình quân mỗi năm đưa khoảng 3,1 tỷ USD thép sang Mỹ, tương đương 3,7 triệu tấn
“Điều này sẽ làm tình hình của ngành thép châu Âu tồi tệ hơn, làm trầm trọng thêm thị trường vốn đã rất kém”, ông cho biết. Theo Chủ tịch Eurofer, tăng xuất khẩu sang thị trường khác cũng không thể bù được việc mất đi thị trường Mỹ.
Giới chức châu Âu lập tức phản ứng. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maroš Šefčovič cho biết mức thuế thép 25% “phản tác dụng về mặt kinh tế”, đặc biệt là khi xét đến chuỗi sản xuất tích hợp sâu rộng được thiết lập thông qua mối quan hệ thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói “vô cùng tiếc về quyết định của Mỹ”. Bà khẳng định EU sẽ hành động để bảo vệ lợi ích khối nhưng chưa nêu chi tiết về các biện pháp đáp trả.
Mỹ và châu Âu có mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới, quy mô hàng năm khoảng 1.500 tỷ USD, chiếm 30% thương mại toàn cầu. EU có thặng dư xuất khẩu đáng kể về hàng hóa với Mỹ nhưng họ cho biết bù đắp phần nào bởi thặng dư dịch vụ mà Mỹ đạt được với khối này.
Ví dụ, EU thặng dư thương mại hàng hóa 156 tỷ euro (161 tỷ USD) với Mỹ hồi 2023. Tuy nhiên, họ thâm hụt dịch vụ với Mỹ là 104 tỷ euro (107 tỷ USD).
Không khí thương chiến ngày càng nóng. Ủy ban châu Âu, cơ quan đàm phán các mối quan hệ thương mại cho khối, cho biết chưa rõ các biện pháp đối phó nào sẽ được áp dụng. Trong khi đó, giới chức và các nhà quan sát cho rằng sẽ nhắm vào các bang Cộng hòa và các mặt hàng xuất khẩu truyền thống mạnh của Mỹ.
Ngay hôm thứ ba (11/2), Bộ trưởng Thương mại EU đã lên lịch cuộc họp khẩn cấp để bàn về cách đối phó. Theo Reuters, EU có thể chọn tái kích hoạt các mức thuế mà khu vực này áp dụng với rượu bourbon, xe máy nhập khẩu Mỹ từ năm 2018, nhưng đã được bà Leyen và cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden thỏa thuận đình chỉ tới cuối tháng 3 năm nay.
AP cũng cho rằng các biện pháp đối phó của EU có thể tương tự như lần ông Trump phát động thuế quan lên hàng hóa châu Âu nhiệm kỳ đầu. Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Nghị viện châu Âu cảnh báo các biện pháp đáp trả lần đó chỉ là tạm hoãn và có thể dễ dàng được khôi phục hợp pháp.
“Khi ông ấy (Trump) bắt đầu (áp thuế) lại, chúng tôi sẽ lập tức tái áp dụng các biện pháp đối phó” ông nói với đài RBB24 của Đức. Xe máy, quần jeans, bơ đậu phộng, rượu bourbon, whiskey và các sản phẩm khác sẽ bị nhắm mục tiêu, theo ông.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU kêu gọi các thành viên hợp lực. “Những thời điểm khó khăn đòi hỏi sự đoàn kết hoàn toàn”, ông nói. Tại đầu tàu kinh tế Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nói nếu Mỹ không để cho châu Âu lựa chọn nào khác thì họ sẽ phản ứng một cách đoàn kết. “Cuối cùng, các cuộc chiến thương mại luôn khiến cả hai bên tổn thất”, ông nói.
Khi EU và Mỹ tiến gần đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp đầu tiên với Phó tổng thống Mỹ JD Vance hôm 11/2, sau khi cả hai cùng dự Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo tại Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.
“Chính quyền Trump đã nói rõ: chúng tôi rất quan tâm đến châu Âu và thấy có nhiều mối quan hệ kinh tế cần được phát triển với châu Âu”, ông Vance tuyên bố tại cuộc gặp. Đáp lại, bà von der Leyen kêu gọi nên nhìn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với sự lạc quan, vì đây là những mối liên kết sâu sắc và bền chặt.
Euronews bình luận cuộc gặp gỡ tại Paris đã phơi bày sự mong manh trong mối quan hệ EU – Mỹ dưới thời chính quyền Trump. “Có rất nhiều điều đang bị đe dọa với cả hai bên”, ông Maroš Šefčovič bình luận.
Không chỉ vậy, một nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) công bố hôm 12/2 cho thấy một nửa số người châu Âu được hỏi không còn coi Mỹ là “đồng minh”, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan.
Cuộc thăm dò tiến hành với quy mô khảo sát hơn 18.500 người tại 11 quốc gia gồm Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Estonia, Romania, Bulgaria, Hungary, Ukraine, Thụy Sĩ và Anh. “Điều này thể hiện sự thay đổi lớn với một số quốc gia từng có mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ”, Pawel Zerka, thành viên chính sách cấp cao của ECFR bình luận.
Pawel Zerka cũng cho rằng nếu ông Donald Trump không còn coi quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một liên minh thực sự mà là thứ cần phải có tính giao dịch, người châu Âu cần chấp nhận và xem đó là cơ hội để thiết lập “cách tiếp cận thực dụng với Mỹ thay vì cách tiếp cận lý tưởng”.
Phiên An (theo AP, Euronews)