Trong phiên giao dịch tính đến 14h ngày 13/2, giá vàng thế giới giao ngay dao động quanh ngưỡng 2.916 USD/ounce, tăng 11,4 USD/ounce, tương đương 0,39% so với phiên giao dịch trước đó. Như vậy chỉ trong 1 tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng 8,65% từ mức 2.686 USD/ounce ghi nhận vào ngày 13/1.
Nhu cầu đối với vàng được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị gia tăng.
![Giá vàng quốc tế đang rất sát giá trong nước- Ảnh 1. Giá vàng quốc tế đang rất sát giá trong nước- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/13/c1-1739432972674415315319-1739433680066-1739433680462952296303.png)
Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua. Nguồn: Kitco.
Quy đổi ra tiền Việt (chưa tính các loại thuế, phí), giá vàng đang ở mức 90,05 triệu đồng/lượng theo tỷ giá USD cùng ngày, chênh lệch rất nhỏ so với giá vàng trong nước.
Cụ thể, giá vàng trong nước được điều chỉnh trong ngày 13/2 như sau:
Đối với vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đầu giờ sáng nay niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 87,4-90,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 700 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 500 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đầu giờ sáng nay cũng nâng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 88,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mức chốt hôm qua.
Mở cửa phiên giao dịch 13/2, giá vàng 9999 của SJC tăng 700.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và đắt thêm 200 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua, niêm yết ở mức 87,4 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Không chỉ SJC, hàng loạt thương hiệu lớn khác tăng giá bán vàng miếng lên mức 90,4 triệu đồng/lượng, gồm CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải…
Như vậy, giá vàng thế giới quy đổi chỉ còn cách giá vàng miếng SJC dưới 200.000 đồng và thu hẹp chênh lệch với giá vàng nhẫn xuống chỉ còn rất nhỏ.
Diễn biến giá vàng cho thấy kim loại này vẫn được hỗ trợ tốt mặc dù có biến động trong ngắn hạn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, ông Gary Wagner cho biết: “Sau phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, giá vàng đã giảm và các nhà giao dịch ngay lập tức nhảy vào mua vào.” – Wagner nói.
Theo Wagner, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với thép và nhôm đã làm gia tăng rủi ro lạm phát, khiến nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng tăng lên. “Các biện pháp thuế quan làm dấy lên nguy cơ lạm phát nóng trở lại” – Wagner nói.
Giá vàng hiện đang tiến gần đến mốc tâm lý quan trọng 3.000 USD/ounce. “Những con số tròn như 1.000 USD, 2.000 USD hay 3.000 USD/ounce luôn là các ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý” – Wagner nói.
Ông tin rằng, việc vàng đạt mốc 3.000 USD/ounce chỉ còn là vấn đề thời gian: “Không phải là có hay không, mà là khi nào. Và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ sớm xảy ra”.